Hôm trước, cuối giờ học buổi sáng, có bạn học viên hỏi thầy khi nào người ta đổi bài thi IELTS. Thầy hỏi bạn, đổi là thế nào? Bạn nói ý là khi nào người ta chỉnh lại khó hơn!?

Bài thi IELTS đã từng có một số điều chỉnh nhỏ trong bài thi và cách chấm điểm trong các năm 1995, 2001 và 2005. Thầy cũng nhận ra một số thay đổi nhỏ trong các đề (past papers) công bố gần đây; tuy nhiên, không đáng kể.

Hiện tại, bài thi IELTS đã có phiên bản thi trên máy vi tính để bàn. Chỉ là thêm một lựa chọn phương tiện làm bài chứ không có thay đổi về cấu trúc.

Thầy xem việc đưa bài thi lên máy tính là chút tiến bộ. Có thể, vài năm nữa, sẽ có phiên bản thi trên máy tính bảng, điện thoại thông minh và kính thực tế ảo luôn. Biết đâu, có thể ra hình thức nào đó đột phá, thay thế hoàn toàn cho việc kiểm tra truyền thống.

Cá nhân thầy cho rằng, mỗi bài thi chuẩn hóa ngôn ngữ cần được nâng cấp và điều chỉnh qua từng năm và thậm chí mỗi quý một lần. Có như vậy thì việc khảo thí mới đúng bản chất. Kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ cốt lõi dĩ nhiên là không thay đổi, nhưng dạng thức thi phải cực kì đa dạng và thay đổi liên tục. 

Đối với các bài thi chuẩn hóa tiếng Anh, việc nâng cấp chủ yếu nằm ở hình thức, tức là đổi định dạng (format) của từng phần thi.

Ví dụ, bài thi cũ 4 bài đọc, thì bài thi mới có 5 bài đọc; lúc trước 10 câu thì nghe thì bây giờ còn 8 câu. Hầu hết chỉ thay đổi một chút ở bề nổi chứ bản chất vẫn giữ nguyên.

Các công ty kinh doanh bài thi (testing services) cứ vài năm lại nâng cấp sản phẩm một lần. Họ nâng cấp ở đây để chứng tỏ là họ có làm việc, có đưa vào sản phẩn những cải tiến, làm cho sản phẩm tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Quy luật chung của những sản phẩm công nghiệp là như vậy. Tuy nhiên, những đột phá thật sự từ bên trong thì vẫn không có gì.

Thầy lấy một ví dụ, gần đây, tổ chức quản lý bài thi TOEIC là ETS (US) thông báo là bài thi này sẽ có thay đổi vào năm 2019 (nằm ở phần Listening và Reading). Các bạn tham khảo bảng minh họa bên dưới. Bên trái là bài thi cũ, và bên phải là bài thi cập nhật.

thay đổi trong bài thi toeic

Thực chất, sự thay đổi này chỉ đơn thuần nằm ở hình thức, tức là giảm câu hỏi phần này, tăng thêm câu hỏi phần kia. 

Đối với những những bài thi chuẩn hóa thuần ngôn ngữ, những thay đổi này gần như là “thay đổi cho có” chứ không ảnh hưởng gì đến thí sinh và giáo viên. Thật ra, chính các tổ chức quản lý bài thi cũng rất e ngại rủi ro sự thay đổi sẽ làm xáo trộn ảnh hưởng đến khách hàng. Sự thay đổi lớn từ bên trong chỉ thực sự diễn ra khi gặp phải một áp lực thị trường đủ mạnh.

Các bạn học viên cần hiểu rằng, những nguyên lý (principles) và kĩ thuật xây dựng bài thi (testing techniques) là những yếu tố gần như bất biến hàng trăm năm qua, từ những bài thi sơ khai đến những bài thi chuẩn hóa.

Thực chất, lĩnh vực khảo thí là lĩnh vực nghiên cứu rất hẹp và hiện tại đã đi gần hết giới hạn, khó có thể hơn được nữa. Hiểu được nguyên lý và cách xây dựng bài thi chuẩn hóa thì bài thi nào cũng có thể “bẻ” (crack) được.

Tuy nhiên, mấu chốt vẫn nằm ở việc học đúng kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ cốt lõi.

TỪ VỰNG IELTS: HỌC ĐÚNG VẪN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT