Tối hôm trước, thầy ngồi thầy trò chuyện với vài người bạn trong quán café. Anh kia gọi ly trà sữa, nói với bạn nhân viên là lấy cho anh ấy ít ngọt thôi, không cho đường cũng được, anh ấy bị tăng đường huyết. Bạn nhân viên nói là “trà sữa thì phải ngọt à anh, tại tụi em pha sẵn đường, với sữa là sữa có đường”.

Vừa sáng nay, thầy đọc thấy Apple chính thức bán máy đo đường huyết, trùng hợp thật. Chăm sóc sức khỏe là một thị trường rất màu mỡ, bán các loại máy đo và các loại vòng đeo tay theo dõi sức khỏe thì không lo thiếu khách hàng. Không khó để nhận ra điều này nếu chú ý quan sát.

Còn để tin cậy hơn, chỉ cần phân tích cơ sở dữ liệu khổng lồ Apple thu nhập được từ trước giờ thì dễ dàng nắm rõ những hành vi, từ thói quen ăn uống sinh hoạt cho đến công việc; và thậm chí là đoán ra cả suy nghĩ của từng khách hàng, biết được có bao nhiêu phần trăm khách hàng đang bị tiểu đường, “gút” hay cao huyết áp.

saffron và những câu chuyện 1

Thầy thấy nhiều học viên dùng thiết bị đeo tay điện tử. Thầy nói thế này, dù muốn hay không, mỗi ngày cơ thể chúng ta đều đang bị dính đủ loại tia và sóng, như 4G, wifi hay bluetooth; cho nên, nếu không phải vì công việc bắt buộc hay trong trường hợp nguy cấp, không có lý do gì phải đeo thêm thiết bị vào cổ tay để bị quét trên từng mạch máu.

Saffron và những chiêm nghiệm về sự đơn giản trong cuộc sống

Vừa rồi có người bạn hỏi thầy về saffron, mấy trăm triệu một kí lô! Người ta nói đó là nhụy hoa nghệ tây. Thầy tìm hiểu và rất ngạc nhiên khi biết loại gia vị bình thường này đắt tiền như vậy. Món xứ người, người xứ mình thử dùng cho biết thì cũng được.

Trong ẩm thực, mỗi quốc gia, mỗi vùng đều có những loại gia vị khác nhau, có nơi sử dụng gia vị này, có nơi sử dụng gia vị kia. Ẩm thực Nhật thích gia vị này, ẩm thực Ấn dùng gia vị kia, Việt Nam cũng có gia vị của Việt Nam. Vùng này hay dùng gia vị này, vùng kia thì ưa chuộng thứ khác. Thầy ví dụ, người miền bắc hay kho thịt heo với nghệ, còn người miền tây thì hay kho với nước màu dừa.

Giá thị trường của gia vị đó cao hay thấp là do cung cầu hoặc bị làm lái buôn làm giá; còn nếu xét ở khía cạnh giá trị sử dụng (trong y học chẳng hạn), thì tùy trường hợp sử dụng mà đánh giá dược liệu đó tốt hay không tốt.

Ví dụ, những ai muốn có đường ruột khỏe thì nên ăn kèm thêm chuối sứ, chứ uống saffron đắt đỏ vậy, công dụng cũng chưa chắc hiệu quả như chuối sứ. Trong trường hợp này, một kí saffron có khi không bằng vài trái chuối sứ. Còn nếu phòng chống ung thư, xin thưa rằng có cả vạn thứ đơn giản và rẻ tiền hơn nhiều.

Thầy nói, mật gấu cũng như mật heo; sừng tê giác cũng như sừng trâu; đông trùng hạ thảo cũng là loại nấm kí sinh. Sâm dây Kon Tum Việt Nam không thua kém sâm Hàn hay sâm Nhật; nếu kém là do người dân mình chưa biết cách làm thương hiệu.

Chúng ta thường bị ảnh hưởng của truyền thông (và một phần từ giáo dục), cho rằng cái gì hiếm (hoặc khó nuôi trồng), hoặc gắn với các truyền thống tôn giáo (hoặc tâm linh) thì cái đó quý, chẳng hạn như món saffron thầy vừa nói trên. 

Người bạn thầy làm chủ thầu xây dựng, rất hay ăn nhậu, bị “gút” nặng, nhà thì bán thuốc Tây lâu năm, trị theo Tây y, tốn không biết bao nhiêu tiền, khám, xét nghiệm, chụp, uống … không hết; rồi chuyển qua uống thử bài thuốc dân gian “dừa xiêm trầu không” thì 10 phần bớt 8-9 phần.

Thật ra, bệnh này là dạng bệnh đơn giản, có nhiều cách trị. Nhưng trị chỉ là trị chứng (tạm thời), sau đó nếu vẫn tiếp tục thói quen ăn nhậu hoặc ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao thì cũng bị trở lại. Nhiều khi vì lý do công việc, cũng phải đánh đổi đôi chút. Nói cho vui là con người mình nhiều khi cũng phải “đu dây điện”.

Lúc nhỏ thầy bị viêm xoang, dạng viêm rất nặng. Thầy còn nhớ, nhà khi đó không có xe, mẹ thầy phải bao xe ôm chở thầy lên bệnh viện Chợ Rẫy, trị ở khoa Tai – Mũi – Họng; mỗi lần đi là bốc số, chực chờ, mất thời gian vô cùng, khổ ải trăm bề nhưng vẫn không hết. Hơn 20 năm, tối lúc ông bác xe ôm đó mất mà thầy vẫn chưa hết viêm xoang. Đáng ra, thành tựu y học phát triển vượt bậc phải trị được những bệnh này dễ dàng như này chứ ha? Ấy vậy mà …

Nhưng, các bạn biết không, tự dưng đến một ngày, thầy điều chỉnh chế độ ăn uống thì lại hết. Không một viên thuốc. Đơn giản là cứ ăn chay tương đối cẩn thận, dẹp bỏ các loại gia vị hóa chất tổng hợp. Có người nói, trên báo đăng rau diếp cá trị viêm xoang tốt; thật ra, có rất nhiều bài thuốc đơn giản để trị, nhưng cũng là trị triệu chứng, không có thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh thì chỉ có trả góp cho bệnh viện suốt đời. Không thể đổi môi trường sống, nhưng ăn uống có ý thức và trách nhiệm là điều chúng ta có thể làm được. Các bạn cứ nhớ rằng đại đạo là giản dị nhất.

Thầy và vài người bạn làm nghề thuốc hay nói đùa (nhìn lại nhiều lúc có phần hơi cực đoan và đôi chút mỉa mai), bây giờ bệnh lúc nào cũng quá tải, tức là ai cũng bệnh, một bệnh hay nhiều bệnh, bệnh ít hay bệnh nhiều. Ở một khía cạnh nào đó, các bạn có thể nhìn nhận rằng bệnh tật công cụ kì diệu của tạo hóa, xuất hiện để điều chỉnh hành vi của mình; điều chỉnh dần dần. Đó là lý do tại sao các bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đừng để đến khi có bệnh mới đi khám, đến lúc đó, may mắn thì bệnh mới ở giai đoạn đầu, còn điều chỉnh được, không may thì …

Hôm trước, nghe người bạn nói vài câu tiếng Pháp nghe rất sành, dù người này không hề dạy ngôn ngữ hay làm việc gì cần ngoại ngữ. Thầy hỏi anh nói được nhiều tiếng Pháp không, anh nói để giở sách xem mấy đoạn hội thoại, lâu rồi không ôn bài, hồi đó nói “dữ dằn” lắm. Đó chính là phương pháp đó các bạn; thuộc được vài chục đoạn hội thoại đi rồi hẳn tính đến chuyện học nghe – nói bài bản. Làm cho được chuyện nhỏ trước rồi hãy nghĩ đến làm chuyện lớn hơn.

Học kĩ năng ngôn ngữ nghe – nói – đọc – viết nhiều khi rất đơn giản, học và thi cũng đơn giản, giống như việc lắng nghe cơ thể và điều trị bệnh như trên. Nhưng các bạn không may lại bị dẫn dụ bởi những thông tin trên trời dưới đất, do vậy mà quan niệm sai lầm, rồi gặp thêm những người giảng dạy không có tâm, có tầm thì cái đơn giản nhất cũng trở thành rắc rối.

Và còn một điều nữa, việc học, tiếp nhận kiến thức phải chọn lọc hợp lý, vận dụng đúng cách mới hiệu quả. Các bạn đọc bài này sẽ hiểu rõ hơn:

KIẾN THỨC PHẢI VẬN DỤNG ĐƯỢC MỚI THỰC SỰ HIỆU QUẢ