Đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 bao gồm 50 câu hỏi dạng trắc nghiệm 4 lựa chọn và chia ra 24 mã đề.

Ban đầu, thầy cứ nghĩ là chỉ có 1 đề và các mã đề khác nhau thì thứ tự câu hỏi hoặc cả các lựa chọn được trộn lại để tránh việc thí sinh xem bài nhau. Tuy nhiên, khi thầy xem kĩ một chút thì phát hiện một số mã đề (401 – 424) có cả những câu hỏi khác nhau hoàn toàn. Tất cả 24 mã đề của kì thi năm 2018 được tạo ra từ một ngân hàng đề thi hoặc từ nhiều đề thi chứ không phải từ 1 đề thi.

Ví dụ, đề thi có một phần 12 câu hỏi ngữ pháp và từ vựng theo kiểu truyền thống. Đối với phần này, những người ra đề soạn một ngân hàng vài chục câu hỏi, sau đó phân chia ra mỗi mã đề nhận 12 câu hỏi.

Cụ thể, mã đề 401 sẽ có 12 câu, mã đề 402 cũng có 12 câu và mã đề 403 có 12 câu khác nữa. Có một số mã đề có câu hỏi trùng nhau, một số khác. Thứ tự các câu hỏi này cũng sẽ khác nhau và có cả sự trộn lẫn giữa các câu hỏi, lần lượt như thế cho hết 24 mã đề. Thông thường thì dùng phần mềm trộn đề, hoặc nếu đủ nhân lực và thời gian thì làm thủ công vẫn được.

Một ví dụ khác, trong tổng số 24 mã đề nêu trên, có tất cả 12 trích đoạn văn bản từ một số giáo khoa khoa học, sách luyện thi và cả báo chí. Mỗi đề sẽ có 3 đoạn được sử dụng, bao gồm:

  1. The Official Cambridge Guide to IELTS (P. Cullen, Amanda French & Vanessa Jakeman)
  2. Select Readings Intermediate (Linda Lee & Erik Gundersen)
  3. Ready for Advanced (Roy Norris, Amanda French & Miles Hordern)
  4. IELTS Testbuilder 2 (Sam McCarter)
  5. Life (John Hughes, Helen Stephenson & Paul Dummett)
  6. https://www.newscientist.com
  7. Skillful Reading & Writing 4 (Mike Boyle & Lindsay Warwick)
  8. Reading Academic English (Judy Rapoport, Ronit Broder & Sarah Feingold)
  9. Advanced Reading Power (Beatrice S. Mikulecky & Linda Jeffries)
  10. Eye on Editing 2 (Royce S. Cain)
  11. Expert First (Jan Bell & Roger Gower)
  12. New English File Advanced (Will Maddox)

Thầy không biết, người ra đề có đảm bảo chất lượng ngôn ngữ của 12 đoạn trích trong bài thi hay không? Bỏ qua yếu tố chất lượng của ngân hàng đề thi này, thầy muốn nói một chút về tính công bằng trong đề thi.

Việc tạo ra một đề thi từ một ngân hàng đề có sẵn là rất phổ biến trong lĩnh vực khảo thí. Nhiều trường hợp, 2 thí sinh cùng thi TOEFL iBT vào cùng một đợt thi, trùng ngày và trùng giờ, nhưng 2 người này sẽ gặp những câu hỏi khác nhau.

Đối với phiên bản thi trên máy tính (computer-delivered) của bài thi IELTS thì chuyện “2 người – 2 đề” chắc chắn diễn ra, cũng tương tự đối với các bài thi SAT hay GRE hay GMAT nếu thi trên máy vi tính.

ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA THI IELTS TRÊN MÁY TÍNH VÀ TRÊN GIẤY: NÊN CHỌN HÌNH THỨC THI NÀO?

Đây là một điểm hạn chế, rất cơ bản. Những đề thi khác nhau dù dựa trên cùng một ngân hàng đề cũng không thể nào đánh giá kiến thức và kĩ năng của thí sinh chính xác như nhau được. Người ra đề khó có thể đảm bảo rằng 2 câu hỏi cùng dạng, cùng điểm ngữ pháp, nhưng từ vựng khác nhau trong 2 đề thi có khả năng định lượng và định tính kiến thức và kĩ năng của thí sinh một cách chính xác như nhau.

Đối với những bài chuẩn hóa quốc tế như TOEFL iBT hay IELTS (computer-delivered), dĩ nhiên là cũng không có tính công bằng ở khía cạnh này. Tuy nhiên, cái hay là những bài thi này được tổ chức liên tục mỗi tuần, thậm chí có khi được tổ chức 2 lần mỗi tuần vào mùa cao điểm.

Chính vì điều này, nếu thí sinh cảm thấy không có sự công bằng, thấy đề thi đợt này khó quá thì có thể thi lại vào đợt tiếp theo ngay vào tuần sau. Điều này sẽ giúp đánh giá kỹ năng của thí sinh một cách khách quan và chính xác hơn.

Tuy nhiên, đối với bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thì đây là chuyện hoàn toàn khác. Kết quả bài thi THPT quốc gia được dùng để xét tuyển vào đại học. Một năm mới có một kì thi THPT quốc gia.

Thầy đưa thêm một ví dụ, đề thi năm THPT quốc gia năm 2018 có phần câu hỏi chọn từ có nghĩa gần giống (closet meaning) với từ gạch chân trong câu. Ở đây có một ngân hàng 8 câu hỏi, chia cho 24 mã đề, mỗi mã đề 2 câu, như bên dưới:

đề thi tiếng anh thpt quốc gia 1

 

Nếu so sánh theo khung tham chiếu châu Âu, các từ gạch chân ở đây không có sự tương về đồng giá trị và nếu phân tích trong ngữ liệu (corpus) thì tần suất xuất hiện cũng rất khác nhau.

KHUNG THAM CHIẾU NGÔN NGỮ CHUNG CHÂU ÂU (CEFR)

Cụ thể, trong ngữ liệu Anh – Mỹ, mỗi từ có tần suất xuất hiện như sau: sophisticated (13,090 lần), disseminate (785 lần), prevalence (6,931 lần), contaminate (581 lần), postpone (1,497 lần), ignite (1,196 lần), initiate (3,399 lần), sound (85,778 lần) thì có thể kết luận rằng độ khó và sự phổ biến của những từ này rất khác nhau.

ĐÁNH GIÁ DANH SÁCH TỪ VỰNG IELTS DỰA TRÊN PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU HỌC THUẬT

Sẽ như thế nào nếu hai thí sinh có trình độ ngang nhau đi thi, trong đó, một thí sinh gặp phải cặp từ postpone (1,497 lần) và ignite (1,196 lần); và thí sinh còn lại gặp cặp từ initiate (3,399 lần) và sound (85,778 lần). Điều cần thiết nhất cho thí sinh lúc này là sự may mắn.

Thầy viết bài này để nhắn các bạn học sinh rằng, việc đi thi tiếng Anh chắc chắn có yếu tố may rủi và một kết quả thi không tốt cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Các bạn đừng bao giờ mất đi niềm tin và ý chí đối với việc học tập và rèn luyện.