Từ những câu chuyện thường ngày, bàn một chút về việc sử dụng tiếng Việt trong đời sống.
Gần chỗ thầy có mở một cửa hàng tạp hóa. Sáng nay khai trương, thầy đi bộ ngang qua, nghe người dẫn chương trình giới thiệu, đại ý “công ty” cảm ơn “bà con” đã ủng hộ trong thời gian vừa qua v.v.
TÍNH BÀI BẢN VÀ HỆ THỐNG TRONG GIÁO DỤC NGÔN NGỮ
Nói chơi một chút về ngôi thứ và danh xưng trong tiếng Việt.
Thật ra, trong mối quan hệ kinh doanh, phải gọi là “công ty” và “khách hàng”, gọi vậy mới có sự tương đồng về ngôn ngữ. Đây là điều rất cơ bản nhưng không phải ai cũng nhận ra.
“Bà con” là những người có mối quan hệ, gọi theo “dân gian”, là quan hệ “máu mủ ruột thịt” (dù gần hay xa). Dùng từ “bà con”, dù là vô tình hoặc cố ý tạo ra yếu tố cảm xúc, khiến người nghe bị tác động một cách vô thức. Nói “công ty” rất tốt với “bà con” là cách nói “khôn khéo” để tạo ra cảm xúc và từ đó chi phối cảm xúc. Giả sử thầy đặt tình huống, nếu “bà con” mua thiếu vài ngàn, hôm nào tiện sẽ ghé trả thì “công ty” có chịu không? “Công ty” có dám bỏ câu “Hàng mua rồi, miễn đổi trả” không?
Trong các mối quan hệ giữa một “tổ chức” và các các nhân, nếu dùng từ “bà con” sẽ mang lại hiệu quả thuyết phục và tính chiêu dụ cao hơn.
Thầy và vợ đi mua đồ, một người phụ huynh của vợ bán, nói “cô dạy cháu nhà, cô mua nên phải ưu tiên cho cô”. Nhiều khi con người rất tình cảm; nhưng cũng nhiều khi là xã giao. Thầy cười cười. Thật ra, cứ bán hàng đúng chất lượng, đúng giá, không cần ưu tiên gì đâu. Khách hàng, ai cũng như ai. Làm đúng, làm thật, có chất lượng, có trách nhiệm là thể hiện sự tôn trọng và quý nhau cao nhất rồi. Xã hội càng nhiều lời thì càng ít lời thật.
Tiếng Việt hay bất kì ngôn ngữ nào, đều không đơn giản, muốn dùng đúng, muốn tỉnh táo để không bị chi phối thì phải nắm vững ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi phải học hành nghiêm túc và sâu sắc cộng với tố chất thiên bẩm. Học tập đúng mức thì rất gian khổ chứ không phải chuyện đùa.