Có vài câu chuyện không liên quan, nhưng nhìn lại cũng có chút có ý nghĩa.

Chuyện thứ nhất, sáng thứ bảy vừa rồi, thầy có việc phải sang một trường phổ thông. Lúc xong việc, ngồi trò chuyện chơi một chút. Cô quản lý nói, cô có một người con gái, con bé thích ngành truyền thông, năm nay muốn cho con học truyền thông ở trường ĐH YYY. Cô hỏi, nghe nói trường này hình như có cơ sở ở quận 9 phải không (hiện thầy ở khu vực đó). Thầy trả lời là cũng không biết.

Thực ra, lúc đó thầy đang muốn ra về. Chợt, cô giáo đi chung thầy nói, ngành truyền thông “tốt nhất” ở Việt Nam là trường XXX, và nói (luyên thuyên) vì có đứa cháu đang học nên… rất rành. Học ở đó, khỏi cần mua máy ảnh, máy quay, vì nhà trường cho mượn, học phí cao như thật ra vẫn lợi hơn chỗ khác, đủ trang thiết bị v.v. Thầy bất đắc dĩ ‘bị’ ngồi ‘cập nhật kiến thức’.

Lúc về tới nhà, chợt nhớ mình có một em học viên cũ, hiện đang học thạc sĩ về truyền thông ở ĐH Melbourne (Úc), phải chi lúc nãy mình giới thiệu cô quản lý biết thông tin, biết đâu con gái cô có thể kết nối và tham khảo người thật, việc thật. Rồi chợt nghĩ, nếu vậy có khi lại phiền tới học viên cũ, và chắc gì đã tốt.

Chuyện thứ hai, hồi lâu, trong câu chuyện phiếm lúc rảnh giờ, vài giáo viên, có cô nói, đứa con cô du học, qua bên đó học vất vả. Cô đinh ninh sinh viên mấy nước kia học giỏi lắm, tiếng Anh lại tốt, mình học không lại người ta. Thầy cũng gật gật.

Thầy có vài em sinh viên du học Úc và đứa em học ở Canada. Các em học cũng được, đôi khi cực, đôi khi thoải mái. Thầy biết điều này là nghe các em học viên nói vậy, nhân lúc hỏi thăm; chứ trải nghiệm thật sự của mỗi người trong mỗi ngành học thì thầy không rõ. Khi du học, có em năng lực tốt, nắm bắt nhanh, cũng có em năng lực trung bình.

Chuyện thứ ba, thầy (là một người cha) thỉnh thoảng nghe chuyện đưa trẻ đi đến trường. Trường chuyên cái này, trường chuyên cái nọ; trường thì theo phương pháp Montessori, trường dạy theo Steiner, trường thì Reggio, trường nọ theo phương pháp ABC, XYZ; trường kia có cho trẻ ngồi ‘thiền’ trước giờ ăn; trường này khai phóng, trường kia theo phương pháp tự nhiên v.v. nghe thì cũng rất “đáng lưu tâm” phải không các bạn?

Thực chất, tất cả tên gọi đều là do ‘định danh’ mà thành. Mỗi người một kiểu, bày ra hàng trăm chủ thuyết giáo dục khác nhau. Bản chất sự giáo dục vốn đơn giản. Đại đạo, vốn dĩ là giản dị nhất. 

Các bạn hẳn cũng nghe rất nhiều thông tin truyền miệng, ví dụ, sinh viên trường này tốt hơn trường kia, trường YYY là tốt nhất, hơn cả trường XXX; khoa này dạy ngành ABC tốt hơn ngành XYZ; chỗ này làm tốt, chỗ kia làm dở; ngành này làm sướng v.v. Có rất nhiều quan niệm sai lầm không biết từ đâu ra. Thầy gọi những thứ đó là “myths”, kiểu như “test myths“.

Cảm nhận một cái gì đó, dễ hay khó, tốt hay dở, chất lượng thế nào là những cái rất chủ quan, từ cái máy vi tính, cái điện thoại, quyển sách, khóa học, trường đại học cho tới một quốc gia.

Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nên trải nghiệm khác nhau. Có người thế này, có người thế khác, cho nên, dĩ nhiên cảm nhận là không thể nào giống nhau. Thầy cho rằng, không nên nghe bừa và càng không nên nói bừa. Người xưa truyền dạy phải “minh định”, “chánh kiến” là vậy.

Trong một xã hội đầy thông tin từ nhiều kênh như thế này, dễ cũng dễ, mà khó cũng khó vô cùng. Cho nên, thầy cho rằng, mỗi cá nhân, nếu biết chắc chắn, có căn cứ cụ thể, rõ ràng thì nói (cũng được), còn không biết rõ thì hãy im lặng. Mỗi cá nhân, muốn hỏi đúng việc thì tìm đúng người, đúng nguồn.

Tặng các bạn câu nói:

Đọc vạn quyển sách không bằng chu du vạn dặm. Chu du vạn dặm không bằng thỉnh giáo vạn người. Thỉnh giáo vạn người không bằng được minh sư chỉ lối. Minh sư chỉ lối không bằng tự mình khai công khai ngộ.”


Sau lớp 12, việc một học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông phải chọn ngành học và chọn trường học, theo thầy là việc khó vô cùng. Ở nhiều nước phương Tây, mọi thông tin hướng nghiệp; số liệu về nghề nghiệp; thông tin về trường, về khoa, về giảng viên và mỗi khóa học đều công khai trên các cổng thông tin chính thức, ấy vậy mà cũng khó cho người học. Thậm chí còn có xu hướng “một năm trải nghiệm để chọn hướng đi”, hay còn gọi là gap year.