Trong năm 2013 và 2014, một công ty Canada đã chuyển nhiều công-te-nơ chứa rác thải đến Philippines, nhưng cố tình gắn mác là nhựa tái chế. Nhân câu chuyện này bàn về tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc.
Các nhà hoạt động môi trường lên án dữ dội hành động này và biểu tình phản đối tại đại sứ quán Canada ở thủ đô Manila.
Tổng tống Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã giận dữ chỉ trích và tuyên chiến với Canada, “Ăn hết chúng nếu các người muốn”.
Cuối cùng, cách đây vài ngày, sau nhiều tranh cãi, thì chính quyền Canada phải chấp nhận thuê một công ty tư nhân vận chuyển toàn bộ đống rác thải này trở về nước, sau lời đe dọa sẽ “tuyên chiến” của tổng thống Philippines.
Thông tin trên truyền thông là như vậy, nhưng đứng ở góc độ chính trị, có thể còn nhiều lý do khác bên trong. Có thể tổng thống Philippines cứng rắn với Canada là vì đang muốn tranh thủ sự ủng hộ ở quê nhà trong kì bầu cử sắp tới; và đó cũng là cách thể hiện chủ nghĩa dân tộc và phong cách chính trị dân túy.
Không bàn về chính trị, điều tích cực thầy thấy ở đây, mặc dù là nước nhỏ, nghèo hơn nhiều, nhưng vị thế ngoại giao của Philippines không thua gì một nước kinh tế công nghiệp như Canada.
Thầy hay nói với các bạn học viên, dù thế nào, các bạn cũng phải “chất chơi”, giữ được khí chất của mình, vững tinh thần tự tôn. Không phải giàu là muốn làm gì làm và không phải nghèo là mất đi quyền lợi. Cà phê tây hay cà phê vỉa hè, lá phong hay lá dừa; kẹo dừa hay kẹo sô-cô-la; bánh mì tây hay bánh mì ta, là như nhau cả.
Thầy ăn bánh kẹo xách tay của học viên đi du lịch ở Thụy Sĩ mang về cho. Bánh kẹo tây thầy ăn cũng thấy ngon miệng, và ngon như ăn kem chuối hay kẹo dừa, bánh tráng sữa. Mời thầy ăn một vài trứng vịt lộn xào me thầy thấy cũng ngon không kém gì mời thầy ăn một phần sushi.
Một chuyện khác, anh bạn thầy nói được người Hàn tặng sâm, từng bịch lỏng, tiện lợi, tốt cho sức khỏe. Thật ra, sâm đóng gói dạng lỏng thì làm sao mà tốt. Chưa kể, sâm Hàn là sâm nóng, tạng người Việt xứ nóng uống chưa hẳn thích hợp.
Mình ưa chuộng sâm Hàn Quốc, một phần vì được cả nhà nước Hàn Quốc bảo trợ và tiếp thị quá tốt, như một thương hiệu quốc gia; chứ nếu nói về dược tính, thì sâm Hàn Quốc hay sâm dây Kontum (đẳng sâm) của Việt Nam chưa biết sản phẩm nào tốt hơn, chỉ biết là sâm dây Việt Nam giá thành tốt hơn rất nhiều và phù hợp với người Việt Nam. Theo như y đạo, gọi đó là “thân thổ bất nhị”, ý nói, con người sống và ăn uống đúng vùng miền.
TỪ SAFFRON NHÌN LẠI SỰ ĐƠN GIẢN VÀ MINH ĐỊNH TỰ TÔN
Một bộ phận không nhỏ cho rằng uống sâm Việt thì không sang bằng sâm Hàn, hàng nước ta thì không bằng hàng nước tây. Nhiều người nói đó là do sự sính ngoại. Thầy cho rằng nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là do mang trong mình tâm lý nhược tiểu (tự ti, tự xem mình nhỏ yếu) mà ra.
Vấn đề gì thì cũng tùy trường hợp mà xem xét, không thể kết luận chung là tây kém hay ta hơn, ta kém hay tây hơn. Không ai có quyền động chạm đến niềm tin và sự lựa chọn của mỗi người. Ở đây, thầy chỉ nói rằng, tâm lý nhược tiểu có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra sự mù quáng, khủng hoảng niềm tin.
Trong việc học tiếng Anh hay ôn thi, thầy thường nhắc các bạn học viên xem tiếng Anh là ngôn ngữ bình thường, chỉ là một công cụ mà nhiều người cùng sử dụng. Đa phần các bạn phải học là bởi vì điều kiện khách quan, vì thi cử, điểm số và công việc. Các bạn xem nhẹ thì nhẹ, xem nặng thì nặng.
Nhiều học viên hỏi thầy, viết thế này có hay không thầy, nói thế này nghe hay không thầy. Thầy nói các bạn biết rằng, viết dở hay viết hay không quan trọng bằng viết đúng ngữ pháp, sử dụng đúng từ.
Khi đi học hay làm bất kì việc gì, sự cầu thị và khiêm nhường là điều rất tốt, và sẽ giúp các bạn vượt qua nhiều rào cản để tiến bộ. Tuy nhiên, nếu mang tâm lý nhược tiểu thì chẳng khác nào tự mình làm khó chính mình, tự mình giới hạn mình.