Ở Việt Nam, dọc theo các tuyến đường và giao lộ, thầy thấy thường treo nhiều khẩu hiệu (và áp phích), tuyên truyền cho nhiều vấn đề, từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm điện, đóng thuế, tuân thủ luật lệ giao thông, chống bạo hành gia đình …
Khi có sự kiện quan trọng thì việc treo như vậy cũng là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu những khẩu hiệu như trên xuất hiện quanh năm thì thầy nghĩ cũng nên xem lại việc giáo dục từ trong nhà trường.
Vì sao? Những vấn đề được tuyên truyền như thầy đề cập ở trên (giữ vệ sinh, tiết kiệm điện, tuân thủ luật giao thông …) là những điều cơ bản mà một người bình thường phải biết, và điều này phải được dạy (thậm chí) từ (trước) cấp tiểu học.
Nếu ở bậc học này mà dạy không xong, thì nhà trường phải xem lại. Nếu đã dạy nghiêm chỉnh và đúng đắng mà học sinh vẫn không chấp hành tốt thì, lúc này cần phải xem tổng thể xã hội. Những chuyện “lặt vặt” làm không xong thì không làm chuyện lớn được.
Làm bất cứ việc gì (một cách nghiêm túc) cũng đòi hỏi các bạn phải dựa trên những nguyên lý (hoặc triết lý) xuyên suốt, xây dựng một cách bài bản và có tính hệ thống (và trọng tâm tùy vào hoàn cảnh khác nhau).
Thầy trình bày một chút về tính hệ thống trong giáo dục ngôn ngữ.
Nhân dịp The 4th VietTESOL International Conference (tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, kết hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và Hiệp hội Giảng dạy tiếng Anh Việt Nam), thầy có trưng bày mô hình TR (TR-model) về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ngôn ngữ.
Đây là một mô hình tổng thể, giúp hướng dẫn xây dựng một chương trình giảng dạy ngôn ngữ đúng nghĩa, một cách bài bản, có tính hệ thống và toàn diện, từ bước (A) phân tích các yếu tố quan trọng, (B) chọn lựa các nguyên lý và phương pháp giảng dạy; và kĩ thuật xây dựng hệ thống, (C) xây dựng chương trình, (T) huấn luyện sử dụng hệ thống cho tới (E) đánh giá hiệu quả của cả quá trình.
Các bạn chắc hẳn đã nghe rất nhiều về các khái niệm hoặc xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục ngày càng nở rộ.
Thậm chí, chương trình thạc sĩ thầy học năm 2013 còn có một môn nghiên cứu chuyên sâu vấn đề này, tên gọi là CALL (Computer-Assisted Language Learning), tạm dịch là học ngôn ngữ với sự hỗ trợ của máy vi tính.
Sau này, một số trường đã phát triển, hoặc thậm chí nghiên cứu sâu hơn, thay thế C (computer) thành M (mobile), trở thành MALL. Bản chất vấn đề không khác, chỉ là sự thay đổi về hình thức.
Các bạn sinh viên chắc hẳn cũng gặp trường hợp một môn học trong chương trình đào tạo truyền thống được thay thế bằng một khóa học trực tuyến với cùng số tín chỉ (credit) tương đương hay giáo viên kết hợp một phần mềm học tập bổ trợ.
Các “video clip”, khóa học trực tuyến (online course), phần mềm máy tính (software) hoặc ứng dụng (app) học ngôn ngữ trên các thiết bị dị động hiện tại cũng rất nhiều. Có thể nói đây sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong giáo dục, được thúc đẩy bởi cả một nền công nghiệp phía sau.
Tuy nhiên, thầy có thể khẳng định với các bạn rằng, những thứ “ứng dụng công nghệ thông tin” nêu trên không phải là ứng dụng công nghệ (thông tin) đúng nghĩa, mà chủ yếu chỉ là sản phẩm truyền thông, chứ không mang lại hiệu quả học tập đáng kể. Muốn hiệu quả, cần một giải pháp tổng thể, bài bản, hệ thống và tập trung.
Quá trình giảng dạy và học tập (một cách nghiêm túc) cũng đòi hỏi các bạn phải dựa trên những nguyên lý (hoặc triết lý) xuyên suốt, xây dựng một cách bài bản, có tính hệ thống (và trọng tâm tùy vào hoàn cảnh khác nhau).