Thầy tình cờ thấy quyển sách Từ vựng Anh ngữ Ứng dụng của thầy bị “photo” và chính anh chủ tiệm “photo” gần trường cũng nói là sinh viên vào “photo” nhiều nhưng anh từ chối vì quen thầy. Nhân đây bàn một chút về sách vở và việc học tập.

Mặc dù sách đã được thầy đăng kí tác quyền về nội dung và phương pháp, việc các bạn sinh viên “photo” sách, thầy không có bình luận gì cả. Bản thân thầy, từ thời sinh viên tới nay, vẫn dùng rất nhiều sách điện tử (ebook) và sách sao chụp không bản quyền cho mục đích học tập cá nhân; nên khi nói về bản quyền, một cách khách quan, thầy rất thông cảm cho các bạn.

Thực tế ở Việt Nam hiện tại, vấn đề bản quyền là nói như không nói. Ở đây là quan điểm của thầy về việc sử dụng sách vở và các tài liệu học tập.

Thầy thấy hiện tại tài liệu và giáo trình được chia sẻ công khai trên các trang mạng và đường “link” cũng được chia sẻ trên nền tảng Facebook rất nhiều. Vấn đề này, như thầy nói ở trên, thầy hiểu được và thông cảm cho các bạn. Thậm chí tài liệu được trích soạn và chia sẻ cho mục đích học tập hầu như cũng không có hiệu quả đáng kể về mặt chuyên môn. 

Quá trình dạy và học đúng nghĩa là sự phối hợp giữa người học và người dạy trong hoàn cảnh học tập cụ thể, dựa trên khung chương trình được thiết kế với những mục tiêu học tập cụ thể. Tất cả các giáo trình và tài nguyên học tập liên quan phải được thiết kế và tinh chỉnh để bám sát khung chương trình, phù hợp với hoàn cảnh học tập để giúp đạt được mục tiêu đề ra trong khung chương trình.

Cho nên, bất kì quyển sách hay tài liệu nào đi nữa cũng chỉ cung cấp “thông tin” và “dữ liệu” đơn thuần chứ không thể tạo ra được “kiến thức” hay “kĩ năng” gì. Muốn “thực” dạy và học, phải theo đúng như điều kiện học tập thầy vừa nói ở trên. 

Tương tự, một phương pháp giảng dạy hay cách tiếp cận không được đặt trong hoàn cảnh học tập cụ thể sẽ không hiệu quả thực sự. 

Đó chính là lý do vì sao thầy không bán cuốn Từ vựng Anh ngữ Ứng dụng công khai lâu dài. Ngay cả phương pháp S-BASED METHOD và cách tiếp cận thầy thường dùng cũng không được phổ biến ra ngoài lớp học; vì đơn giản, không ai hiểu rõ và sử dụng đúng như dụng ý của thầy ban đầu.