Dựa vào đề thi tiếng Anh THPT quốc gia 2018, thầy xin chia sẻ về việc ra đề thi dựa trên việc phân tích ngữ liệu (corpus).

Câu số 8, mã đề 419. Đáp án là danh từ ‘lapse’. Phân tích 2 bộ ngữ liệu tiếng Anh, thầy thấy rằng:

  • ‘lapse’ xuất hiện 1 lần trong ngữ liệu 760.000 từ
  • ‘lapse’ xuất hiện 33 lần trong ngữ liệu 3 triệu từ

Trong ngữ liệu, danh từ ‘lapse’ không được dùng độc lập. Nếu tra trong từ điển Cambridge 4th, danh từ ‘lapse’ cũng không được liệt kê trong Khung tham chiếu tiếng Anh châu Âu (CEFR).

thống kê ngữ liệu đề thi tiếng anh

Trong 34 lần xuất hiện trong cả 2 ngữ liệu thầy vừa đề cập ở trên, danh từ ‘lapse’ gần như chỉ đi với từ ‘time’, tạo thành từ ghép ‘time-lapse’.

phân tích ngữ liệu đề thi tiếng anh 1
phân tích ngữ liệu lapse - đề thi tiếng anh

Đề thi kiểm tra danh từ ‘lapse’ không mang lại nhiều giá trị khảo thí và ứng dụng thực tế. Với học sinh THPT, ưu tiên học cụm từ ‘time-lapse’ trước thì có tính ứng dụng hơn, mặc dù đây là từ chuyên môn trong lĩnh vực đặc thù.

Đối với câu số 8 trong đề thi mã đề 419, thí sinh làm đúng, chưa hẳn đã giỏi và nếu không biết câu này, cũng không thể khẳng định là yếu kém. Trong mã đề thi 419, đây không phải là câu duy nhất mắc phải lỗi này.

Theo phân tích của thầy, nhiều đề thi THPT quốc gia môn tiếng Anh những năm qua đều có những câu trắc nghiệm rất yếu về mặt ngôn ngữ học ứng dụng. Nhiều bài thi tiếng Anh khác cũng mắc phải lỗi này, điển hình là hệ thống bài thi chứng chỉ quốc gia A-B-C (hiện hay không còn được sử dụng) và nhiều câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng hoàn toàn không có giá trị về ngôn ngữ lẫn ứng dụng thực tế.

Ngoài những yếu tố về phương pháp giảng dạy, tâm lý, tất cả đề thi ngôn ngữ nói chung phải dựa trên nền tảng ngôn ngữ học ứng dụng mới đảm bảo được độ tin cậy (reliability), tính chính xác (validity)phản ánh thực tế ngôn ngữ (authenticity).

Đứng ở khía cạnh ngôn ngữ học, việc giảng dạy và học tập tiếng Anh nên được thực hiện (tối thiểu) theo quy trình 3 bước như sau:

  1. Phân tích ngữ liệu để chọn ra kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ cốt lõi (ngữ liệu được tổng hợp phải chuyên biệt và kết tinh ngôn ngữ ở mức độ cao).
  2. Xây dựng khung chương trình, giáo trình và hệ thống tài liệu giảng dạy xoay quanh kiến thức và kĩ năng cốt lõi.
  3. Thiết kế hệ thống bài thi, kiểm tra và đánh giá học viên bám sát vào khung chương trình nêu trên, kết hợp soi chiếu với ngữ liệu.

Tuân thủ quy trình nêu trên một cách nghiêm túc và chặt chẽ, hoàn toàn có thể xây dựng những khung chương trình và giáo trình giảng dạy tiếng Anh hiệu quả, có giá trị bền vững qua nhiều năm và rút ngắn thời gian giảng dạy đến mức tối đa.

MINH HỌA QUY TRÌNH 3P TRONG GIẢNG DẠY TIẾNG ANH