Tản mạn về sự nhận thức, lần lượt 3 mức độ: Hiểu – Biết – Ngộ.

Vừa sau Tết âm lịch, thầy chào một thầy lớn tuổi trong bãi xe, nói chuyện xã giao “mới đó mà hết Tết rồi thầy, nhanh quá”. Thầy này cười, hồi xưa đi học nghe câu “thời giờ ngựa chạy, tên bay, bây giờ em hiểu ra chưa?”.

Khi còn nhỏ, nghe thầy cô giảng bài, thì học sinh biết“ngựa chạy, tên bay” rất nhanh; hiểu “thời giờ ngựa chạy, tên bay” nghĩa là thời giờ nhanh, rất nhanh như vậy. Nhưng biếthiểu đến đây cũng chưa xong.

Phải phải hiểu tận cùng sự rất nhanh của thời gian ở tận đáy lòng; hiểu tận và cảm nhận tận cùng giá trị thật sự của sự rất nhanh đó, và sự thấu suốt này, một cách tự nhiên, gắn liền với mỗi hành động nhỏ nhất, đến cả lối sống và thái độ trong mọi vấn đề.

Hiểu mức độ thấp về sự rất nhanh của thời gian thì một sinh viên phải tập trung tối đa vào việc học, không để phí một chút thời gian nào vào những việc linh tinh, không có lợi trực tiếp cho mục tiêu học tập của bản thân.

Hiểu cao hơn một chút về “sự rất nhanh của thời gian” thì một sinh viên phải nỗ lực suy nghĩ để tìm cách sắp xếp việc học, làm sao cho đạt hiệu quả học tập cao nhất.

Hiểu cao hơn một chút nữa thì sinh viên đó lại tiếp tục nỗ lực suy nghĩ sâu hơn, thậm chí tham khảo, quan sát, và đánh giá để chọn xem cái nào là quan trọng nhất, cái nào mình cần học, cái nào vô nghĩa mà mình cần phải bỏ đi, mạnh dạn bỏ đi v.v.

Vậy nếu tiếp tục hiểu cao hơn một chút nữa thì sẽ như thế nào? Khi nào là tận cùng?

Với người bình thường, nếu thực sự hiểu được giá trị của thời gian, chỉ cần ở mức tương đối, sẽ trân quý thời gian, không có chuyện phí thời gian cho những việc vô bổ.

Thầy tạm giải thích sơ lược bằng vài từ ngữ thông thường là để cho các bạn dễ hình dung được quá trình từ biết cho đến hiểu cao một hơn chút nữa.

Tây phương có dùng một thang để đo lường/ đánh giá mục tiêu/ mức độ học tập, chia thành từng cấp độ, gọi là thang cấp độ tư duy Bloom (Bloom’s taxonomy) mà thầy từng có đề cập.

Thang này chia ra 6 cấp độ rõ ràng. Tuy nhiên, như thầy đã từng nói, đó là chia tạm, và cũng chỉ để hiểu bề mặt, ở mức độ rất thấp mà thôi. Khoa học Tây phương là khoa học của định tính, định lượng, suy luận, phân tích, tổng hợp v.v. rất chi li; nhìn bề mặt thì hay, nhưng nghiệm lại thì cũng chưa hẵn.

Trên lớp, thầy thỉnh thoảng có dùng thang Bloom để minh họa cho việc học, để các bạn dễ hình dung ra vấn đề, vì thang này dễ hiểu cho đại đa số sinh viên và học viên. Mà hiểu là ở tầng thấp. Hiểu rồi, nhiều lúc là chưa hiểu gì. Đó là chưa kể, nhiều khi chỉ mới là biết chứ chưa tới được ngưỡng của sự hiểu, dù là cơ bản nhất.

Có những thứ không thể nói bằng lời, cho nên Lão Tử khi xưa mới mới dạy “bất ngôn chi giáo. Người xưa cũng nói “lập ngôn” vốn là chuyện “chẳng đặng đừng”. Ngay cả lời dạy này cũng chứa đựng hàm nghĩa trùng trùng lớp lớp. Phức tạp tận cùng mà cũng tận cùng đơn giản. Cái ngộ không thể dùng từ để giải thích, cùng lắm là dùng vài lời để khêu gợi.

Biết từ lúc tiểu học, có người tuổi đôi mươi đã nhìn ra chân tướng tỏ tường, nhưng cũng có người, sớm thì đến tuổi 30-40, trễ thì tuổi 50-60, trễ nữa thì tuổi 80-90 mới ngộ ra. Thậm chí có người, cả đời không ngộ ra điều gì.

Riêng trong việc học tiếng Anh và ôn thi, với nhiều học viên, thầy khuyên, cái biết của em sau khi nghe thầy giảng chỉ là biết ở mức độ thấp, lớt phớt vấn đề thôi. Cần phải dành thời gian học, luyện tập liên tục mỗi ngày trong suốt cả khóa học, làm theo đúng như hướng dẫn thì mới tiến bộ. Cũng không lâu, chỉ vài tuần là ổn. Học đúng hướng thì từ từ sẽ hiểu ra vấn đề, hình thành kiến thức, nắm vững được kĩ năng.