Tham khảo nghĩa của 2 danh từ “information” và “knowledge” trên trong từ điển và nhìn nhận sơ lược về vấn đề Thông tin và Kiến thức.
- information: “facts or details that tell you something about a situation, person, event etc.” (Longman 6th).
(tạm dịch: thông tin là những sự thật hoặc chi tiết về tính huống, con người, sự kiện v.v.)
- knowledge: “the information, understanding and skills that you gain through education or experience” (Oxford 9th).
(tạm dịch: kiến thức là thông tin, những hiểu biết hoặc kĩ năng mà bạn thu được thông qua giáo dục hoặc kinh nghiệm)
Đây là định nghĩa trong một các từ điển tiếng Anh phổ biến, trích lại để cho các bạn tiện tham khảo và suy nghĩ thêm. Vì chỉ là những quyển từ điển dành cho người học, tuy nói khá rõ, nhưng thầy cũng không hoàn toàn đồng ý với các định nghĩa bên trong. Thậm chí, khi định nghĩa “knowledge”, từ điển Oxford 9th còn thêm cả từ “skills” vào, thầy cho rằng đây có chút nhầm lẫn. Trong “knowledge” không thể bao hàm cả “skill” được?!
Nói về kiến thức và thông tin, hiểu từ cách điển định nghĩa của từ điển là một chuyện; dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt lại là một chuyện khác. Cứ tạm dịch và dùng như vậy.
Ở đây, thầy chia làm rõ thêm một chút theo kiểu lý luận của khoa học Tây phương.
Tất cả những điều các bạn tìm được trên mạng internet, trong thư viện hoặc từ lớp học, đều là thông tin, sự thật hoặc số liệu v.v. Những điều này, bạn biết được, người khác cũng biết được, nhân loại điều biết cả. Những người không biết là vì họ không có điều kiện ngoại cảnh để tiếp cận, họ không “may” chứ không phải kém hơn bạn.
Các bạn đi học là để thu nạp thông tin. Thông tin không giúp tạo ra giá trị gì đáng kể. Chỉ cần có khả năng tài chính hoặc mối quan hệ, bạn có thể mua/lấy được thông tin. Thông tin là một loại hàng hóa được “đóng hộp” và “bán” tràn lan trên “thị trường”, dĩ nhiên, nhiều nhất là trong nhà trường và cả truyền thông.
Khi thông tin được bộ não xử lý, thông qua việc tư duy và lý luận; hoặc thông tin được đúc kết và soi chiếu từ/trong kinh nghiệm, sẽ trở thành kiến thức. Cũng khá hay, tình cờ trong tiếng Anh, danh từ “knowledge” được cấu tạo từ động từ “know” (biết) và danh từ ” ledge” (mỏ quặng).
Kiến thức chính là những thông tin được “kết tinh” lại, như mỏ quặng. Cùng tiếp nhận thông tin như nhau, qua thời gian, qua xử lý, kiến thức mỗi người không hoàn toàn giống nhau, thậm chí rất khác. Độ kết tinh càng sâu, kiến thức càng quý. Kiến thức phản ánh năng lực tư duy của mỗi cá nhân. Kiến thức là những gì có khả năng tạo ra giá trị.
Sự khác nhau giữ kiến thức và thông tin nằm ở chỗ, chỉ cần có “bộ nhớ”, các bạn sẽ lưu được thông tin, nhưng phải có “bộ não biết tư duy” thì mới hi vọng có được một chút kiến thức.
Nhưng ngay cả khi có kiến thức, mọi thứ vẫn chỉ mới bắt đầu. Việc vận dụng (apply) kiến thức như thế nào trong các hoàn cảnh thực tế không hề đơn giản. Biến kiến thức thành kĩ năng (skill) hoặc kĩ xảo (high skill), là một quá trình không đơn giản.
Có khi đi học mười mấy năm, chỉ là tiếp thu và ghi nhận thông tin đơn thuần chứ chẳng có chút kiến thức.