Chia sẻ góc nhìn của thầy về 2 yếu tố “hoàn cảnh hiện tại” và “mục tiêu” trong lĩnh vực Giáo dục Ngôn ngữ.
Tuần rồi, thầy phát bài kiểm tra tiến trình, môn Viết 3. Có một sinh viên thắc mắc là: phải viết dài quá, trong thời gian ngắn, em không thể làm hết bài. Em này còn nói, em hỏi cô em nói, cô nói thời gian vậy làm không kịp. Thầy mới hỏi cô em là ai? Dạy môn gì? Bạn này nói là cô dạy em ở trung tâm.
Có một yếu tố rất quan trọng mà thầy hay nhắc tới khi học, đó là “hoàn cảnh và mục tiêu“ học tập.
Trước ngày kiểm tra 2 tuần, thầy cho sinh viên 4 chủ đề, và yêu cầu sinh viên về nhà chuẩn bị, mỗi chủ đề viết một bài luận (essay) dài 300-350 từ theo hình thức đã được học. Thầy nhấn mạnh, các bạn sinh viên phải chuẩn bị thật kỹ và cẩn thận, thậm chí phải thuộc bài luận của mình đối với những bạn chưa tự tin.
Tới ngày kiểm tra, thầy in 4 đề và xếp theo thứ tự, mỗi sinh viên ngồi một bàn riêng và làm một đề riêng. Hai sinh viên ngồi bàn sát nhau cũng không chung đề. Thi nhiều ca, thời gian làm bài mỗi ca là 30 phút, không được sử dụng bất kì tài liệu.
Vì điều kiện làm bài là như vậy, sinh viên nào có ý thức và chuẩn bị cẩn thận thì vào lớp sẽ viết được. Nếu không chuẩn bị kỹ, sinh viên rất khó hoàn tất trong 30 phút. Khi thầy chấm bài, có những bạn viết dài hơn cả yêu cầu, một số viết tốt, một số viết kém, một số viết không kịp. Những tiêu chí chấm bài được điều chỉnh, phụ thuộc vào hoàn cảnh học tập của lớp.
Với tình hình hiện tại, khi nhiều lớp sinh viên chưa thật sự có ý thức trong học tập, thì đặt ra áp lực và kỹ luật cao là điều cần thiết.
MỘT SỐ CHIA SẺ NGẪU NHIÊN VỀ BÀI THI VÀ KHẢO THÍ
Hoàn cảnh và mục tiêu học tập ở mỗi cấp học, mỗi lớp, mỗi trường là không giống nhau. Do đó, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra cũng không thể giống nhau. Chỉ có người học và người dạy thật sự chú tâm mới hiểu được.
Thầy hay nhắc các bạn sinh viên một điều rất quan trọng, đó là, trong phòng thi, không có nhiều thời gian tư duy. Thí sinh phải thể hiện được kĩ năng phản xạ điêu luyện đã tập luyện nhuần nhuyễn trước đó.
Ngoài ra, cũng cần hiểu một điều, đối với sinh viên học chuyên ngành tiếng Anh, việc thông thạo và nhuần nhuyễn các kĩ năng thực hành tiếng (nghe – nói – đọc – viết) là điều rất quan trọng. Sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, phải học tiếng Anh ở đẳng cấp cao, có chiều sâu hơn rất nhiều so với học viên tiếng Anh thông thường, xem tiếng Anh là công cụ hỗ trợ trong công việc hoặc học tập.
Hiện tại, có rất nhiều người không hiểu hoặc không phân biệt được rằng, học viết bài luận ở trường đại học khác hoàn toàn việc học viết chuẩn bị cho các kì thi tiếng Anh chuẩn hóa như IELTS hay TOEFL iBT.
Đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, phải hiểu rằng học viết tiếng Anh đúng nghĩa (ở đây là viết một bài luận có “format” điển hình) hoàn toàn khác với học viên tiếng Anh không chuyên, học “viết cho có viết”.
TÍNH BÀI BẢN VỀ HỆ THỐNG TRONG GIÁO DỤC NGÔN NGỮ
Nhìn rộng ra, nguyên nhân của nhiều vấn đề vừa nói nằm ở sự thiếu tính hệ thống và phân cấp không rõ ràng trong giáo dục và đào tạo ngôn ngữ.
Những mục tiêu học tập và tiêu chuẩn trong giáo dục và đào tạo ngôn ngữ chính quy hiện nay còn thấp, làm giảm giá trị của việc học tập, giảm giá trị người học, người dạy, và kéo theo đó là sự thụt lùi của cả hệ thống.