Trước những thay đổi của việc giảng dạy giữa thời Corona virus, bàn về Online Learning (học trực tuyến).
Việc cung cấp video bài giảng quay sẵn hoặc phát trực tiếp cho học viên xem online hoặc offline rất hữu ích, hỗ trợ học viên ngoài giờ học chính khóa.
Nhưng học tập trực tuyến (online learning) là hình thức học hoàn toàn khác. Chuyển từ học tập truyền thống trực tiếp tại lớp sang học tập trực tuyến nó là sự chuyển đổi nền dạy và học, liên quan nhiều yếu tố như chất lượng đường truyền, thiết bị và thói quen dạy và học. Ở đây, thầy bàn về khía cạnh cảm xúc.
Trong lớp học truyền thống, học viên nhìn tận mắt và nghe tận tai. Có thể ghi nhanh, sai thì gạch bỏ dễ dàng, không hiểu bài thì hỏi ngay thầy cô. Học tập trong điều kiện như vậy rất tiện lợi, dòng suy nghĩ không bị gián đoạn. Khi học, nếu có sự trao đổi giữa học viên với nhau hoặc giữa giáo viên với học viên thì không khí càng thoải mái.
Mô hình lớp học như vậy, không cần nhiều công cụ hay máy móc, nhưng vẫn “chill” và việc học vẫn đạt hiệu quả. Hiệu quả không phải đo lường bằng việc nạp ít hay nhiều kiến thức, mà là ở việc cảm nhận: “À à, thì ra là vậy”.
CHIA SẺ VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY CỦA ILP VIETNAM
Nếu sinh viên sử dụng máy vi tính cho việc học tập trực tuyến, thì bàn phím phải cho cảm giác gõ thoải mái, có sẵn bút cảm ứng, màn hình siêu phân giải, cảm ứng chạm mượt, microphone nhạy, âm thanh trung thực.
Học viên có thể thao tác dễ dàng qua những cái chạm hoặc ghi chú trực tiếp trên màn hình, không có độ trễ. Phải làm sao giữ được cảm xúc và trải nghiệm học tập tự nhiên nhất có thể, tương đương học tập truyền thống tại lớp.
Phải làm sao để chạm là mở, mở là thấy ngay. Muốn xem gì thì vuốt, kéo qua lại, lên xuống, chạm để trả lời câu hỏi, ngón tay lướt thoải mái. Việc phải gõ phím để học và song song đó phải ghi chép vào vở mang lại cảm giác rất khó chịu. Cùng một hành động ghi chú nhưng phải dùng hai cách thực khác nhau trong một giờ học tạo ra sự bất tiện.
Tiếp thu kiến thức và rèn kĩ năng đã khó, cho nên, đừng mang sự bất tiện vào quá trình khó khăn này. Những nền tảng học tập (learning platform) phải đạt được sự tiện dụng như trải nghiệm từ các ứng dụng như TikTok, Instagram hay Facebook Watch thì may ra người học mới có hứng thú.
Như bất kì một người dùng thông thường nào, cá nhân thầy cho rằng học tập trực tuyến, hiện tại chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu phải học, thầy chỉ có thể sử dụng những ứng dụng di động (app) tiện lợi và dễ sử dụng, mang lại cảm giác học tập thực tế.
Các bạn sinh viên thử nhớ xem, đã bao lâu rồi các bạn không gõ password, mà chỉ chạm, quẹt nhẹ hoặc nhìn để mở điện thoại. Chính thầy bây giờ đã không còn sử dụng password đăng nhập vào thiết bị. Máy tính hay điện thoại của thầy đều nhận diện vân tay và khuôn mặt.
Cơ bản là “tại sao tôi phải mất công gõ password để mở” nếu các kĩ sư có thể làm ra các phương thức đăng nhập tốt hơn. Nhu cầu của con người bây giờ ngày càng cao, muốn nhanh và tiện dụng, xài như không xài. Đó là lý do người ta mới tạo ra Siri, Google Voice, Touch ID hay Face ID, “vì xài là phải tiện”.
Xã hội giờ khác rồi, thế hệ này khác thế hệ xưa. Không đưa ra thiết bị thì cũng đừng đưa thiết bị khó sử dụng. Sự thoải mái và tiện dụng phải là ưu tiên hàng đầu, nhất là đối với người dùng phổ thông.
Con người sống nghiêng về cảm xúc hơn là lý trí, cho nên, thiết bị phải đáp ứng được điều đó. Các bạn đa phần phải tham gia vào học tập trực tuyến vì đó là quy định bắt buộc. Tiếng Anh có cụm từ rất hay, đó là “the best or nothing”. Bất kể hình thức học tập hay làm việc nào đó, nếu không mang đến trải nghiệm sử dụng tối đa thì chỉ là giải pháp tình thế.
Việc sử dụng một số thiết bị công nghệ chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất khi đảm bảo được trọn cảm xúc học tập của người sử dụng. Con người chỉ học tập và làm việc hiệu quả nhất khi đạt trạng thái cảm xúc tốt nhất.
Một số chia sẻ khác về việc giáo dục:
CHIA SẺ GÓC NHÌN VỀ NHỮNG MỐI QUAN HỆ TRONG GIÁO DỤC
GIÁO DỤC PHẢI LA QUY TRÌNH TƯƠNG ĐỐI TOÀN DIỆN