Thầy có một số chia sẻ về bài thi và khảo thí dưới đây. Các bạn đọc nhé!
BÀI I
Hôm bữa một bạn sinh viên cho thầy xem clip trên Youtube, đây là một cuộc thi về bài thi IELTS. Thầy khá ngạc nhiên vì không nghĩ lại có những cuộc thi và quay clip như vậy?!
Nhiều người còn mang một chồng sách đến hỏi thầy học như thế nào. Việc luyện thi thì có gì đâu mà rắc rối quá.
Vấn đề là cách nhìn nhận vấn đề. Xem nặng thì nặng, xem nhẹ thì nhẹ. Xem nặng quá thì học không nổi mà xem nhẹ quá thì cũng không có động lực để học. Nếu không sáng suốt, rất dễ bị cuốn vào một biển trời thông tin không có lối ra.
Người xưa nói, “đại đạo là giản dị nhất”. Sự học cao nhất, là sự học đi vào trọng tâm, đơn giản nhất. Và như thầy từng đề cập, không phải ai cũng học được và việc học đúng nghĩa cũng không dành cho số đông.
BÀI II
Đủ lượng từ vựng, ngữ pháp và khả năng phát âm tốt, cứ đi thi, không phải suy nghĩ nhiều. Dĩ nhiên, mỗi bài thi có trọng tâm ngôn ngữ và đòi hỏi một vài kĩ năng làm bài nhất định. Nếu thí sinh có chuẩn bị đúng những điều này, kết quả có thể tốt hơn một chút. Nếu không, cũng không phải là vấn đề gì nghiêm trọng.
Tiếng Anh là công cụ, học cho kha khá một chút, thi cho xong rồi làm những việc khác cần thiết và có ý nghĩa hơn. Dĩ nhiên, nếu có đam mê thật sự thì cứ “theo đuổi” để trở thành nhà “ngôn ngữ học”.
Điều quan trọng nhất là phải thực học; và học đúng kiến thức và kĩ năng cốt lõi. Sau đó, nếu cần đi thi để có bảng điểm (hoặc chứng chỉ), chọn một bài thi, và nếu nghiêm túc, thì bắt tay vào luyện tập bài thi đó. Học viên không có nền tảng kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ thì không thể luyện thi gì cả.
(Có một cách tiếp cận khác trong việc học ngôn ngữ, đó là dùng bài thi chuẩn hóa định hướng việc học; tiếng Anh gọi là teaching the test. Nghĩa là, thay vì học tiếng Anh “chung chung”, học viên chọn một bài thi chuẩn hóa, và định hướng việc học tập tiếng Anh của mình theo bài thi đó.)
BÀI III
Bên dưới thầy cho các bạn xem 2 quyển sách.
Quyển thứ nhất là IELTS Practice Test Plus 2 của NXB Pearson, xuất bản năm 2005. Ngoài bìa sách có cụm từ “teaching not just testing“, tạm hiểu là “dạy chứ không chỉ là kiểm tra?!” hoặc “dạy chứ đừng chỉ chăm chăm vào kiểm tra?!”). Khá nhiều sách ôn thi của NXB Pearson in câu này lên bìa.
Quyển thứ hai là Cambridge IELTS 10 của NXB Trường ĐH Cambridge, xuất bản năm 2015, có hẳn một “logo” với dòng chữ Cambridge OFFICIAL Preparation Material trên bìa trước, ngoài ra còn ghi thêm Authentic Examination Papers From Cambridge English Language Assessment bên dưới.
Vậy khi luyện thi IELTS™và chỉ được chọn một cuốn, bạn sẽ chọn cuốn nào? Nếu có thời gian, thôi chọn cả hai quyển để học cho an tâm? Nhưng mà hai quyển hơn 10 bài thi, cũng hơi nhiều!?
Về mảng sách ôn thi, NXB Cambridge có phần nổi trội hơn các nhà xuất bản khác, không hẳn là do sách hay hơn, nhưng vì “thương hiệu Cambridge” còn có một bộ phận khác chuyên về khảo thí, đó là Cambridge Assessment English (CAE, cũng từng được gọi là CamESOL hay CELA), chuyên phát triển và kinh doanh bài thi, trong đó có IELTS™. Chính nhờ điều này, sách ôn thi IELTS™ của NXB Cambridge có vẻ đáng tin cậy hơn. Cảm nhận chủ quan tác động rất nhiều đến hành vi.
Sách nào cũng vậy.
Cạnh tranh về dòng sách luyện thi cũng hơi khó. Năm 2009, tập đoàn giáo dục Pearson “trình làng” bài thi PTE Academic để cho thí sinh một cơ hội tiếp cận khác và cũng để cạnh tranh với bài thi IELTS (và cả bài TOEFL iBT). Nhìn lại câu teaching not just testing mà Pearson từng in trên sách, có chút mâu thuẫn ở đây chăng?
PHÂN TÍCH PHẦN THI WRITING TRONG BÀI THI IELTS, TOEFL iBT & PTE ACADEMIC
Bài thi nào cũng vậy.
Xây dựng và phát triển bài thi riêng, rồi độc quyền và đưa ra chiến lược cạnh tranh hay. Khảo thí là một “miếng bánh” không thể bỏ qua. Chung quy, đây là một ngành công nghiệp.
Cái quan trọng nhất là học đúng kiến thức và kĩ năng cốt lõi.