Một số tờ báo tại các nước, tên gọi thường có chữ “post” ở cuối, ví dụ:
- Washington Post
- Bangkok Post
- South China Morning Post
- Phnompenh Post
- New York Post
- The Jakarta Post
Từ “post” có nhiều nghĩa, trong đó, nghĩa gần với ngữ cảnh này nhất có lẽ là “an eletronic message sent to a website in order to allow many people to see it“ (Cambridge 4th). Trong tiếng Việt, tạm dịch là là “bài viết trực tuyến“ hoặc “thông điệp“. Cách dịch thứ hai có vẻ thuận tai hơn. Tuy nhiên, đã là tên riêng thì không cần thiết phải dịch.
Cũng có thể hiểu “post” là “thư từ”, “một nơi nào đó”, hoặc “một cây trụ”. Hiểu theo nghĩa vậy cũng tạm chấp nhận được. Nhưng tuyệt đối chữ “post” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là “bưu điện”. Các tờ báo thầy kể tên ở trên cũng không liên quan gì đáng kể tới “bưu điện”.
Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam có lẽ đã có sự nhầm lẫn, khi dịch từ “post” thành “bưu điện”, và sự nhầm lẫn này lập lại rất nhiều lần.
Trong dịp đưa tin về Cúp bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup), nhiều tờ báo Việt Nam có đăng tin “Đội tuyển Việt Nam đang có mạch bất bại dài nhất thế giới”. Tin được đăng với sự hân hoan và tán dương khá nhiều trên các trang mạng.
Thông tin này được cho là trích từ tài khoản mạng xã hội của nhà báo thể thao người Tây Ban Nha tên Alexis (MisterChip). Sau trận đấu tại Nations League ở châu Âu, ông này viết trên trang Twitter cá nhân như sau (bản dịch):
“After yesterday’s defeat of France in the Netherlands, you can not even imagine what the soccer team that has the most consecutive matches without losing anywhere in the world is right now…Vietnam (national flag)”
Tạm dịch là: “Sau trận thua hôm qua của tuyển Pháp tại Hà Lan, bạn thậm chí không thể tưởng tượng được là đội tuyển bóng đá có mạch trận bất bại dài nhất trên thế giới hiện nay là… Việt Nam”.
Đáng tiếc, trong ngữ cảnh này, cụm từ “can not even imagine” (bản dịch) có ý nghĩa mỉa mai chứ không phải đề cao hay ca ngợi gì cả.
Ngoài ra, nếu theo dõi tin thể thao trên truyền thông quốc tế, cũng dễ thấy các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài vài lần (vô tình hay cố ý) nhắc đến bóng đá Việt Nam với ý châm biếm.
Đọc và dịch tiếng Anh đòi hỏi việc có cái nhìn tổng quan và sự xem xét cẩn thận để tránh hiểu sai dụng ý của người khác.
Dịch thuật là công việc đòi hỏi rất cao về kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ cùng hoàng loạt yếu tố khác. Cá nhân thầy cho rằng đây không phải là việc ai cũng làm được.
Tham khảo bài viết:
Liên quan tới việc ôn thi IELTS™, và nhất là trong kĩ năng đọc hiểu, thầy cho rằng học viên nên phân biệt rõ giữa đọc hiểu nắm ý và dịch để hiểu nghĩa nhằm tránh mất nhiều thời gian khi làm bài.
Đọc hiểu nắm ý để trả lời đúng câu hỏi thì chỉ cần lượng từ vựng cốt lõi là đủ, trong khi dịch để hiểu nghĩa cần vốn kiến thức tương đối sâu, rộng và yếu tố thời gian. Việc dịch để hiểu nghĩa, dĩ nhiên, không thích hợp khi làm bài.
Tham khảo sách:
Thậm chí, thầy từng thấy một số học viên và nhóm học viên dịch lại những bài đọc (reading passage) trong các đề thi tiếng Anh để học từ và cụm từ mới. Thầy khuyên các bạn nên tránh chuyện này trong thời gian ôn thi, vì dịch cũng không tới đâu, nhưng mất thời gian mà chẳng có hiệu quả gì.