Kiểm tra và khảo thí ngôn ngữ (language testing and assessment) là một lĩnh vực chuyên môn sâu, liên quan chặt chẽ đến ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy. Dưới đây là những chia sẻ về bài thi trong lĩnh vực giáo dục.

Dạy cho một học viên đạt kết quả tốt cũng thú vị như việc, thông qua một bài kiểm tra biết được năng lực ngôn ngữ thật sự của người đó như thế nào.

Đứng trên khía cạnh mục đích kiểm tra (purpose of testing), các bài thi trong tiếng Anh có thể tạm được chia thành vài dạng. Nói vắn tắt như sau để các bạn hiểu được tổng quan về những bài thi hay gặp trong học tập.

GÓC NHÌN CÁ NHÂN VỀ CHUYỆN ĂN – HỌC

“Proficiency test” (bài kiểm tra sự thông thạo): Bài thi này kiểm tra năng lực ngôn ngữ chung (global competence) của một thí sinh. 

Không cần biết thí sinh học theo chương trình gì, giáo trình gì, phương pháp học thế nào v.v. miễn thí sinh đạt được mức điểm nhất định thì sẽ dựa vào đó quy ra năng lực ngôn ngữ. 

Dựa vào những đặc điểm cốt lõi của ngôn ngữ và những yêu cầu thực tế từ học tập, công việc hoặc cuộc sống đối với ngôn ngữ đó mà xây dựng bài thi.

Những bài thi tiếng Anh chuẩn hóa như IELTS, TOEFL® iBT hay PTE Academic thường là dạng “proficiency test” mang tính quốc tế. (xem bài viết #11 – BÀI THI CHUẨN HÓA)

“Achievement test” (bài kiểm tra kiến thức học được): Bài thi này thường là bài thi cuối khóa học hoặc cuối học kì. Bài thi kiểm tra xem học viên đạt được những mục tiêu học tập trong khóa học hay không, có đủ lượng từ vựng hay không, có nắm được ngữ pháp hay không, vận dụng kĩ năng đọc đến mức nào v.v. 

Dạng “achievement test” được xây dựng dựa vào chương trình học và phương pháp giảng dạy.

“Progress test” (bài kiểm tra sự tiến bộ): Cũng có đặc điểm khá giống “achievement test” nhưng bài thi này thường được triển khai liên tục trong khóa học, kiểm tra xem học viên học hành thế nào, giáo viên dạy hiệu quả không, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Tương tự, “progress test” được xây dựng dựa vào chương trình học và phương pháp giảng dạy.

Ở quy mô nhỏ hơn, các bạn có bài thi “diagnostic test” (bài kiểm tra xem mạnh yếu chỗ nào): Dùng bài kiểm tra này để đánh giá xem học viên có thế mạnh và điểm yếu gì, từ đó điều chỉnh giáo trình, chương trình, chỗ nào nên nhấn mạnh, chỗ nào có thể lướt qua; hoặc “placement test” (bài kiểm trình độ đầu để xếp lớp): Thường dùng để xem năng lực hiện tại của học viên thế nào, từ đó chọn giáo trình, chương trình và cấp lớp phù hợp.

Chất lượng của bài thi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thầy cho rằng, nền tảng kiến thức về ngôn ngữ học, tâm lý giáo dục, và lý thuyết phương pháp giảng dạy là những yếu tố chính; và sự kết hợp, vận dụng những yếu tố này quyết định chất lượng của bài thi.

Thực tế, người làm công tác khảo thí và người trực tiếp ra đề thi phải là dạng bậc thầy trong những lĩnh vực thầy vừa nêu trên. Ra đề thi là một công việc chuyên môn sâu, thậm chí, phải tách bạch với việc giảng dạy. 

Không có chuyên môn hóa, khó có thể đạt chất lượng. Hiển nhiên, muốn kiểm tra và đánh giá người khác, phải ở một trình độ rất cao. 

Thầy từng phải chứng kiến những đề thi rất chắp vá. Nếu không thể chọn được bài thi tốt nhất thì hãy chọn bài thi “ít tệ” nhất. Đó là, riêng trong việc học thực hành tiếng (các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết), sử dụng các bài thi chuẩn hóa quốc tế có bộ tiêu chuẩn ngôn ngữ đáng tin cậy làm định hướng và tiêu chí đánh giá việc giảng dạy và học tập là điều phải làm. Thầy gọi đó là “test-based teaching & learning” hay “teaching & learning the test”.

Xây dựng chương trình giảng dạy trên nền tảng ngôn ngữ học, việc phân tích và vận dụng những bài thi chuẩn hóa để phục vụ công tác khảo thí là con đường nhanh nhất để hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, việc xây dựng chương trình giảng dạy ngôn ngữ và khảo thí nên dựa vào hệ thống bài thi rất đồ sộ và hệ thống hóa của Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (CAE) và Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS), có sự liên thông chặt chẽ với Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) là giải pháp không thể tốt hơn trong môi trường giáo dục ngôn ngữ hiện nay.


Tham khảo bài viết trên Wikipedia

“Khảo thí theo tiêu chuẩn (hay kiểm tra theo tiêu chuẩn) là một hình thức tiến hành thi (khảo thí) và cấp bằng. Các chứng chỉ là tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, cho phép các trường đánh giá khả năng học cũng như tiềm năng của các em học sinh.

Tại từng quốc gia đều có một tổ chức khảo thí theo tiêu chuẩn, có thể là nhà nước hoặc tư nhân, đứng ra tiến hành các kỳ thi sát hạch. Tại Việt Nam, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, bằng tốt nghiệp thường chỉ có giá trị tại Việt Nam và một số nước trên thế giới (với điều kiện học sinh học trường PTTH nào).”


Như thầy đã nói ở trên, kiểm tra và đánh giá là lĩnh vực chuyên môn sâu có đặc thù riêng, thậm chí phải độc lập với giảng dạy, có sự định tính và định lượng rất cao. Quá trình ra đề thi phải dựa vào không chỉ dựa vào những nguyên lý (principles) của lĩnh vực khảo thí, mà còn phải bám sát khung chương trình, và kết hợp kiến thức ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy.

Các vấn đề chuyên môn phải được trình bày dựa trên nền tảng lý luận, có luận cứ rõ ràng, có thể đo lường bằng định tính và định lượng.

Xây dựng chương trình chuyên ngành nào, cần những chuyên gia trong lĩnh vực đó; đây phải là những người có bề dày kinh nghiệm thực tế và kiến thức chuyên môn sâu. Hoạt động giảng dạy, cần đội ngũ thiện chiến chuyên giảng dạy và dĩ nhiên khảo thí cũng phải có đội ngũ chuyên trách trình độ cao.