Một vài sinh viên có hỏi thầy về học văn hóa, thầy hỏi môn đó bao nhiêu tín chỉ. Các bạn nói là 2 tín chỉ. Thầy nói, vậy cố gắng qua môn là được rồi, trong lớp có gì thì học nấy.
Hồi lâu, thầy đọc đâu đó một cái đề thi môn Văn hóa Anh (British Studies). Đề hỏi nhiều câu dạng kiểm tra sự thuộc lòng facts & figures. Thầy thấy như vậy cũng không đánh giá kiến thức thực tiễn là mấy. Nhân tiện đây chia sẻ một vài vấn đề.
Chuyện thứ nhất.
Quê thầy có món lạp xưởng, bán rất nhiều, người dân thành phố mỗi dịp Tết hay tìm về những nơi như quê thầy để mua lạp xưởng. Mua vậy mới chính gốc. Thậm chí giờ dân dưới quê còn quay “clip” làm lạp xưởng, đóng gói hút chân không để giới thiệu.
Mỗi dịp Tết, thầy người bán hàng trên mạng rao bán lạp xưởng nhà làm từ quê thầy, thầy lại mắc cười. Chủ tiệm lạp xưởng thì mua lại từ những lò lớn, u rê đựng bao bao, thịt heo phế từ nhiều nguồn. Cứ đóng gói đẹp, có vẻ sạch, biết cách bán hàng một chút là được. Thật ra, cũng có vài tiệm bán lạp xưởng được, nhưng những chỗ như vậy rất ít. Còn lại, đa phần chất lượng rất lộn xộn. Nói chung thì nếu thèm, cứ ăn một chút cũng được.
Những món ăn đặc sản vùng miền, thực ra các bạn hoàn toàn có thể tự làm được, dù bạn không phải là người của vùng miền đó. Bây giờ thầy ra miền núi phía Bắc, cứ đưa thầy thịt lợn, thầy làm cho mấy kí lạp xưởng y chang miền quê thầy. Rồi sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa xem hàng của miền nào ngon hơn.
Một chuyện khác, các bạn thấy nước mắm Phan Thiết hay nước mắm Phú Quốc ngon hơn, tốt hơn? Thầy nghe có người nói nước mắm Phú Quốc chỉ ủ trong thùng gỗ, còn nước mắm Phan Thiết có khi ủ trong lu xi-măng hay thùng nhựa, nên độc hại hơn v.v.
Mà Việt Nam đâu chỉ có Phú Quốc hay Phan Thiết biết làm nước mắm, còn có nước mắm Gò Bồi (Bình Định), Cát Hải (Hải Phòng) hay Ba Làng (Thanh Hóa) v.v. Vùng nào cũng có thể làm nước mắm, không gần biển vẫn làm nước mắm được. Dân chỗ nào thích ăn thì đều có thể làm và cũng nên ăn ở xứ đó. Bảo quản và vận chuyển, thế nào cũng nảy sinh vấn đề. Người xưa có câu “thân thổ bất nhị”, nghĩa là ở xứ nào thì nên ăn đồ ăn xứ đó. Nói vậy cũng là có lý do.
Chuyện lạp xưởng, nước mắm như thầy nói, nhiều cái đã thành định kiến (stereotype). Tức ý kiến đã định hình, ăn sâu trong tâm trí nhiều người, vì một lý do nào đó, và về lâu dài, gần như không thể thay đổi. Mà thật ra, không quan trọng lắm, cũng chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, tiểu đạo thế gian mà thôi.
TRẢ RÁC, RƯỢU VANG VÀ SỰ TỰ TÔN VĂN HÓA DÂN TỘC
Quay lại vấn đề. Vậy học Văn hóa Mỹ, Văn hóa Anh thế nào đây?
Hoa Kỳ có hơn 50 bang, sống ở đó 50 năm cũng chưa chắc đã đi hết. Nhiều bang có diện tích, dân số và sức mạnh kinh tế còn hơn cả một quốc gia. Vương quốc Anh gồm 4 nước (và nhiều khối cựu thuộc địa), cả đời người có khi chưa đi hết. Cho thầy cô du lịch bên đó vài chuyến, ở vài tháng thì cũng chẳng biết được gì mấy, thậm chí còn chưa thoát được sự ngạc nhiên, ngớ người khi thấy xe điện ngầm, nhà cao tầng v.v.
Thầy hay cười, ở đây bao nhiêu bạn có khả năng đi Anh du học và làm việc? Thầy ước gì có được số liệu trung thực về cộng đồng người Việt đang học tập và làm việc tại Vương quốc Anh.
Nhiều khi mua được cuốn sách văn hoá từ bên Mỹ hay bên Anh gửi về. Nhưng thầy nói, đọc sách vở vậy đọc để biết thêm chút từ vựng, vụn vặt vài điểm văn hóa chứ.
Vì như thầy nói ở trên, chỉ riêng cái chuyện lạp xưởng quê thầy, người quê thầy còn chưa biết, hay chuyện chén nước mắm, bia bọt thế nào, ở đâu ngon dở còn tranh cãi nảy lửa.
Thầy nói, hiện tại học văn hóa chỉ là học facts & figures. Những cái đó chẳng mang lại lợi ích nhiều. Không cần thiết mất quá nhiều thời gian, công sức.
Câu trả lời là, cũng như nhiều môn học ứng dụng mang tính nghề nghiệp khác, dạy và học văn hóa ít ra có những tiêu chuẩn cơ bản như thầy nói ở đây:
Thứ nhất, cần phải chọn những sinh viên đủ năng lực, thực sự cần học nhiều về văn hóa để phục vụ công việc sau này. Đây không phải môn học đại trà, không phải ai cũng cần học và ai cũng được học.
Thứ hai, người dạy phải là bậc thầy am hiểu cổ kim đông tây, hiểu được bản sắc, có cái nhìn độc đáo và sâu sắc, chứ không phải chỉ biết “lớt phớt” văn hóa. Muốn nhìn thấy chân tướng sự việc thì phải có căn cơ và trung dung với tất cả lợi ích.
Thứ ba, thay vì dạy và học facts & figures vụn vặt (cứ ghi thành sách, cho đọc tham khảo), thì nội dung trọng tâm phải là những giá trị phổ quát, mang tính cốt lõi. Ví dụ, phải dạy làm sao để hiểu rõ tường tận, ngọn nguồn những hệ tư tưởng (ideology) đóng vai trò nền tảng trong chính trị, kinh tế và xã hội Hoa Kỳ. Dạy và học đúng chất, nói vài lời cũng sáng tỏ vấn đề.
Hiểu tường tường tận như vậy, sinh viên sau này tốt nghiệp, có làm giám đốc doanh nghiệp lệ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ, sẽ biết cần điều chỉnh chiến lược tổng thể công ty như thế nào. Khi nào có khuynh hướng mở, khi nào có khuynh hướng đóng, đóng chỗ nào, và mở chỗ nào. Sách vở thì nhiều, nhưng học và hiểu thực sự thì có bao nhiêu người?
Người làm kinh tế, người làm phiên dịch, hay người làm giáo viên v.v. mỗi nhóm người học với mục tiêu học tập và nghề nghiệp khác nhau cần được tiếp cận văn hóa thao cách khác nhau.
Học văn hóa không phải để biết và nói chuyện cho vui, mà phải hiểu tường tận giá trị văn hóa tư tưởng để nâng tầm tư duy, thậm chí dự báo được cả khuynh hướng và tạo thành giá trị.