Vừa xem trên mạng xã hội thấy câu “Knowledge is power” trong một cái quảng cáo. Thầy xin nói một chút về những khẩu hiệu quảng cáo, tuyên truyền hoặc những câu “slogan”.

“Knowledge is power.” (tạm dịch: “Kiến thức là sức mạnh.”)

Kiến thức có thực sự là sức mạnh?

Về mặt ngữ pháp, câu trên hoàn toàn đúng, khá đơn giản, dễ nhớ và gây ấn tượng. Nhưng về mặt ngữ nghĩa, có lẽ cần xem xét lại. Trước đây, thầy có lần giải thích ý nghĩa và bản chất của từ “thông tin”“kiến thức”. Kiến thức, trong nhiều hoàn cảnh, không tạo được giá trị gì cả. Kiến thức chỉ có giá trị khi được vận dụng thành công trong hoàn cảnh cụ thể.

Thầy lấy ví dụ như sau. Bạn là sinh viên ngành tài chính, bạn tiếp cận rất nhiều “thông tin”, số liệu trong sách vở về thị trường chứng khoán. Vốn là người có tố chất, bạn suy nghĩ rất sâu, kết tinh những điều đã học thành những “kiến thức” của riêng bạn (và có những cái thậm chí chỉ một mình bạn nghĩ ra).

Tuy nhiên, với kiến thức này, để “áp dụng” vào thực tế thì là chuyện khác. Bạn cần vốn, cần một môi trường đầu tư chứng khoán lành mạnh, cần phải có sự gan dạ, dám chấp nhận rủi ra, và thậm chí là cần một đội ngũ để đồng hành. 

Bạn thấy đó, “kiến thức” chỉ là cái vốn ban đầu. Trong trường hợp này, kiến thức chưa thể, hoặc thậm chí trong tình huống xấu thì không thể nào là sức mạnh. Khả năng “áp dụng kiến thức hiệu quả” mới là thật sự là sức mạnh.

Một ví dụ khác, bạn là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, bạn đến lớp được giảng viên cung cấp rất nhiều từ mới. Đây là “thông tin”. Bạn về nhà, tiếp tục học hành chăm chỉ, suy nghĩ thấu đáo, và với khả năng của mình, bạn hiểu rõ và dùng tốt một số (hoặc thậm chí tất cả) từ đã học. Tuy nhiên, khi đi thi, bạn chỉ mới làm đúng được dạng câu trắc nghiệm từ vựng. Bạn cũng có thể viết được một đoạn văn ngắn với số từ đó.

Tuy nhiên, viết cho chi tiết và linh hoạt thì bạn chưa có kỹ năng. Trong trường hợp này, “kiến thức” của bạn về từ vựng chưa thể biến thành “kỹ năng” viết linh hoạt. Vẫn là, tối thiểu, phải là “ứng dụng có hiệu quả kiến thức đã học” thì mới tạo ra sức mạnh.

BÌNH LUẬN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC VÀ GIÁO DỤC

Qua 2 ví dụ trên có thể thấy, kiến thức là sức mạnh hay không thì còn phải tùy. Có khi kĩ năng mới là sức mạnh, thậm chí có nơi vũ khí, vũ lực mới là sức mạnh.

 

Nếu chỉ đơn thuần về mặt ngôn ngữ và ngữ nghĩa, thầy không bao giờ xem trọng những khẩu hiệu tuyên truyền, quảng cáo hay “slogan” có cách viết giống như vậy. Những câu nói đó có giá trị tuyên truyền, đánh vào cảm xúc của một số cá nhân. Muốn những câu này đúng, phải đặt trong tình huống nhất định.

Một câu viết đúng, phải có bối cảnh cụ thể, chủ ngữ cụ thể, hành động cụ thể.

Đối với người có suy nghĩ thấu đáo và nhanh nhạy thì các khẩu hiệu như trên không có ý nghĩa gì cả, rất sáo rỗng. Khẩu hiệu chỉ dành đối phó với nhóm đối tượng dân trí thấp. Những người có “tư duy phản biện” (critical thinking) sẽ khó bị cuốn theo. Tuy nhiên, cũng xin nói thêm rằng “tư duy phản biện” không phải đơn giản, không phải cứ dạy là được. Muốn có “tư duy phản biện”, cần có đủ sự trải nghiệm thực tế, kiến thức tổng quát đủ rộng và kiến thức chuyên ngành đủ sâu, tinh thần bất vụ lợi …

“Tư duy phản biện” cũng như thanh gươm sắc bén, không đủ sức sử dụng thì chỉ gây hại mà thôi. Ranh giới của “tư duy phản biện”“sự ba phải” rất mong manh.