Có một số bạn sinh viên xin thầy lộ trình học tiếng Anh. 

Khoan bàn về vấn đề này, thầy muốn nhắc đến khái niệm “adaptive learning” (hoặc “adaptive teaching”). Trước tiên cần hiểu “adaptive” nghĩa là “có khả năng thay đổi để phù hợp với điều kiện khác nhau” (Cambridge 4th). Trong tiếng Việt, tạm dịch là “có tính thích nghi”.

Trong giáo dục, “adaptive learning” là một phương pháp sử dụng thuật toán máy tính để “chỉ huy” việc tương tác với người học; và đưa ra những tài nguyên và hoạt động học tập được tùy biến (customised) đáp ứng như cầu riêng của mỗi người học. (Wikipedia)

Ví dụ, một phần mềm học tiếng Anh trên máy tính, sau một phiên học tập (session) thứ nhất, dữ liệu học tập của học sinh nạp vào máy. Dữ liệu đó có thể là bài tập học sinh làm, nội dung học sinh gõ vào máy hoặc kết quả bài kiểm tra v.v. Thông qua việc đánh giá dữ liệu đó, phần mềm này đề xuất nội dung học tập cho phiên học tiếp theo.

Ví dụ thầy vừa nêu ở trên cho thấy điểm “ưu việt” của những hệ thống “adaptive leanring”, đó là giúp cá nhân hóa (individualised) việc học của mỗi người; và mỗi người sẽ tiến bộ tùy theo mức độ học tập của bản thân. 

Điều này rất khó (và gần như không thể) có được trong lớp học truyền thống. Trong lĩnh vực khảo thí, những bài thi như GMAT® hay GRE® cũng được thiết kế theo dạng “adaptive”. Đây là điểm rất mạnh của việc học tập hoặc thi cử với sự hỗ trợ của máy tính. 

Nói lý thuyết là vậy, nhưng để triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả những phần mềm hoặc hệ thống như vậy rất khó khăn, thậm chí các nước phát triển làm chưa nổi.

CHIA SẺ VỀ TÍNH QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Khái niệm “adaptive learning” có vẻ như là được hình thành xuất phát từ một nhu cầu cốt lõi trong giáo dục, đó là sự “cá nhân hóa” việc dạy và học!?

Thật ra, việc dạy và học, bản chất phải sự linh hoạt, và hiển nhiên là phải có tính “thích nghi”. Học viên phải học hết bài hôm nay thì mới biết hôm sau cần học gì và học thế nào. Tương tự, giảng viên dù cầm bài giảng trên tay, nhưng phải dạy hết hôm nay thì mới biết tuần sau phải dạy như thế nào và dạy nội dung gì. Làm như vậy mới đúng bản chất của việc dạy và học thông thường.

Không thể có một “lộ trình” chung cho tất cả học viên, mà phải tùy vào từng bạn, trình độ và khả năng cụ thể. 

Người học cần phải có động lực học tập thực sự, có tố chất học tập và người hướng dẫn giỏi trong hoàn cảnh học tập phù hợp. Mọi chuyện còn lại, cái gì cần tới sẽ tới.