Trong tất cả các bài viết, thầy đơn thuần trình bày quan điểm cá nhân, không phải để dạy học, không hướng dẫn hay đưa ra lời khuyên.
Nếu không có hoàn cảnh thích hợp, thầy không đưa ra lời khuyên về việc học hay thậm chí những vấn đề nào khác, dù là có kiến thức và cả kinh nghiệm về chủ đề đó.
Lấy ví dụ như sau, hồi còn sinh viên, thầy học nói tiếng Anh như thế nào? Thực sự, học trong lớp gần như không cải thiện kỹ năng nói của thầy nhiều. Vậy ngoài lớp học thì học sao?
- tới câu lạc bộ tiếng Anh? dĩ nhiên là không
- luyện tập với bạn chung lớp? dĩ nhiên là không
- tìm người nước ngoài để luyện nói? càng không bao giờ
Bốn năm đại học, gần như thầy chẳng bao giờ học hành hay luyện tập nói tiếng Anh một cách bài bản và nghiêm chỉnh. Cốt yếu là thi xong môn hoặc lấy điểm cao.
Sau đó, khi ra trường, vì yêu cầu công việc, trong thời gian ngắn ngủi, thầy tự cải thiện bằng cách học những bài hội thoại (conversation) và bài giảng ngắn (short lecture). Kết quả, vẫn dạy những lớp nói nâng cao hiệu quả và thuyết trình tại các hội thảo quốc tế rất tốt?!
Nếu bây giờ bạn hỏi thầy, học nói tiếng Anh thế nào? Thì thầy khuyên như trên, bạn thấy sao? Có “cảm” thấy hiệu quả không? Nếu “cảm thấy” hiệu quả rồi, có dám làm không? Nếu làm thì làm thế nào, giống bao nhiêu phần trăm?
Intrinsic Motivation – Động lực bên trong
Tất cả những thứ thầy làm và học, đa phần đều xuất phát từ “động lực bên trong” (Intrinsic Motivation) rất lớn cùng với tố chất. Khi học viên có hai thứ như thầy vừa nói, sẽ biết mình phải làm gì.
“Động lực bên trong” (và cả bên ngoài) của thầy là động lực của người học chuyên sâu về giảng dạy ngôn ngữ và giáo dục, đó là động lực sự nghiệp. Học viên tiếng Anh khác thì không thể có động lực (và tố chất) giống như thầy. Hoàn cảnh học tập và mọi thứ cũng đều khác với thầy. Chỉ có chính học viên mới hiểu rõ và thật lòng với bản thân nhất.
Một câu nói khác từ lâu thầy nghe, đó là: “Các em về lên mạng luyện nghe thêm trên các trang nước ngoài”. Theo thầy, câu này chỉ là nói cho có. Thực chất, người nói hiểu rõ bao nhiêu phần trăm về những trang luyện nghe đó, có bao nhiêu chuyên mục, bao nhiêu chủ đề? Và nếu thực sự luyện nghe với những kênh như vậy, phải luyện như thế nào?
Việc “luyện tập” (dù có người hướng dẫn hay không) đều cần có những phương pháp và kĩ thuật riêng trong từng lĩnh vực. Động từ “luyện tập”, trong tiếng Anh là “practice”; được từ điển Longman giải thích là “to do an activity, often regularly, in order to improve your skill or to prepare for a test”. Tuy nhiên, thực tế, hiểu và làm theo như vậy không hẳn đã đầy đủ và đúng bản chất.
Những điều cần dạy, kiến thức, kĩ năng, phương pháp hay kĩ thuật học tập và luyện tập, thầy luôn thị phạm và lý giải đầy đủ trên lớp. Tất cả nêu ra đều được đặt trong hoàn cảnh học tập cụ thể, dựa trên những những nền tảng và nguyên lý nhất định; và đã được chứng minh hiệu quả trong thực nghiệm. Các bạn học viên và sinh viên đi học nghiêm chỉnh sẽ hiểu được điều này. Đó chính là giá trị của lớp học truyền thống.
Triết lý và cách tiếp cận của thầy được trình bày trong rất nhiều bài viết trước đây. Các bạn có thể tìm xem lại trên chính website này. Cốt lõi vấn đề rất đơn giản; nhưng thầy viết nhiều để nói về những chi tiết.
NĂM 2022 – ONLINE LEARRNING, MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP PHẢI THẬT “CHILL”