Vừa rồi, truyền thông có đưa 1 tin giáo dục khá hay, đó là Chứng chỉ quốc tế A Level của Cambridge International sẽ ngày càng phổ biến tại Việt Nam (hiện tại là khối các trường thuộc ĐH Quốc gia HN). Một số trường ĐH khác tại Việt Nam cũng đã chấp nhận Tú tài Quốc tế (IB) như UEF.

Chương trình A-level hay IB rất chuẩn hóa, hệ thống và cập nhật. Để đạt những chứng chỉ A-level hay IB là điều không đơn giản với đại đa số học sinh, nhưng thực sự xứng đáng.

Nếu học sinh được học theo nội dung chương trình của IB hay A-level thì hay, vì như đã nói, tính chuẩn hóa, hệ thống và sự cập nhật của những chương trình này rất cao nhưng chương trình vẫn gọn nhẹ.

Gia đình nào đang áp dụng mô hình giáo dục tại gia (homeschooling) thì có thể tận dụng nội dung của những chương trình như A-level hay IB cho con.

Thầy nhớ hồi thầy học lớp 8, cứ 1-2 giờ chiều, thầy phải chạy vào nhà cô để học tiếng Anh. Nhà cô trong đồng, đạp xe vô, học chung với bạn bè, rất vui. Vô lớp, nhiều nhất là làm bài tập chia thì, viết câu theo cấu trúc, chọn từ v.v.

Hồi đó không có giấy photo nhiều như bây giờ nên phải chép tay, sau đó làm bài, rồi đưa cô chấm. Thầy và đám bạn làm rất nhanh, mà thầy thấy cô còn chấm nhanh hơn. Quanh năm, nhiều nhất là chia thì. Thầy nghĩ, không chừng, lúc đó chia thì còn nhanh hơn người Anh hay người Mỹ bản xứ. Nhưng rồi, 10 đứa thì hết 9 đứa vẫn không giỏi, nói tiếng Anh vẫn ấp a ấp úng, không dùng được.

Bây giờ, có ai tự hỏi: “Chia thì nhiều để làm gì?“.

Chiều tối, thầy chở vợ con đi chơi, về ngang con hẻm gần nhà, thấy nhiều phụ huynh đứng chờ con đi học thêm ra, và đáng sợ hơn, đó là chiều tối chủ nhật. Vậy là có giáo viên họ dạy cả chiều tối chủ nhật? Khó tin thật. Có bao nhiêu em học sinh thật sự muốn đi học giờ đó? Và để học điều gì?

Học sinh phải đi học vì một nỗi lo, vì những nỗi sợ rất hoang đường của người lớn.

Có những môn học, có những bài học rất chán, mà vẫn phải dạy và vẫn phải học cho xong, từ chương trình phổ thông cho tới những môn ở trường ĐH. Vấn đề nhiều lúc không phải là học cái gì, mà vấn đề là phải làm sao cho hết giờ.

HỌC ĐÚNG VẪN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT

Chung quy, điều quan trọng nhất là phải học đúng cái chuẩn hóa, cốt lõi và cập nhật. Học đúng cái cần học thì sẽ sáng, đầu óc khai mở, chứ không phải là học quanh năm suốt tháng.