Trích vài câu trong phần thi đọc của đề thi tiếng Anh, tuyển sinh đầu vào của trường ĐH XXX tại TP. HCM.

đề thi tiếng anh đại học

Có một điểm đáng chú ý là, rất nhiều câu từ vựng ở đề thi này, những từ đáp án đều là từ khóa trong sách Từ vựng Anh ngữ Ứng dụng© , xem câu 5, 8 và 50 trong đề.

  • The changes to the book were all made with the author’s permission. (tr. 118)
  • The study of politics is compulsory for major and graduate programmes. (tr. 184)
  • The designers oppose the new parking structure adjacent to their project. (tr. 200)

Sách Từ vựng Anh ngữ Ứng dụng© được thầy xây dựng thực chất không phải để dành cho những bài thi tiếng Anh như thế này, nhưng nếu biết khai thác, thí sinh vẫn có thể sử dụng hiệu quả.

Thầy hay nói với một số học viên, có rất nhiều bài kiểm tra và bài thi được thực hiện cho đầy đủ thủ tục hành chính chứ không thể kiểm tra, đánh giá hay dự báo tương đối đúng năng lực của thí sinh. Thầy nói như vậy là có lý do.

Hiện tại, một số trường ĐH ở Việt Nam đã công bố mẫu bài thi năng lực cho mùa tuyển sinh 2019. Bên dưới là format của bài thi năng lực tiếng Anh của trường ĐH XXX như thầy đã nêu trên.

Bài thi gồm 3 phần:

Reading comprehension

  • vocabulary & grammar
  • use of English
  • reading comprehension

Writing

  • sentence structure
  • passage organisation & development
  • language appropriateness

Listening (optional)

  • picture matching
  • conversations; short talks
  • conversation; lecture/ discussion

Về nội dung, thầy có đọc qua một bài mẫu và cho rằng bài thi này chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những bài thi chẩn hóa kiểu Mỹ, nhất là TOEFL, SAT hay thậm chí là TOEIC. Riêng phần thi Writing, cá nhân thầy cho rằng kiểu ra đề này khá hay, dù không bắt thí sinh phải thể hiện khả năng thực viết, nhưng ra đề thế này, với học sinh phổ thông, là cách kiểm tra “hóc búa” mới lạ. Tuy nhiên, hình thức hay chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể.

Việc tự thiết kế bài thi năng khiếu/ năng lực học vấn (Scholastic Aptitude/ Assessment Test) để kiểm tra và đo lường sự sẵn sàng của sinh viên cho việc học đại học (students’ readiness for college) và phần nào dự báo khả năng học tập tại bậc đại học của sinh viên, là việc mà một tổ chức đào tạo đơn thuần rất khó làm được một cách hiệu quả. Khảo thí chuẩn hóa cần phải thực hiện bởi một tổ chức khảo thí chuyên nghiệp (assessment/ testing service).

Một bài thi năng lực ngôn ngữ chuẩn hóa thực thụ là một sản phẩm kết tinh trí tuệ ở mức độ rất cao. Một bài thi chuẩn hóa ngôn ngữ phải có tối thiểu 3 yếu tố:

  1. cơ sở dữ liệu ngôn ngữ chuẩn
  2. nguyên lý và và kĩ thuật khảo thí
  3. thang đo năng lực

Thứ nhất, tổ chức khảo thí phải hiểu rõ lượng ngôn ngữ thí sinh được học trong chương trình phổ thông và lượng ngôn ngữ cốt lõi cần thiết để học hiệu quả trong môi trường đại học/ sau đại học. Từ đó, tạo ra một cơ sở dữ liệu ngôn ngữ chuẩn, và dựa vào để kiểm tra thí sinh.

Một ví dụ đơn giản, giả sử, trong chương trình phổ thông, học sinh học 3 từ abc, def,ghi; trong khi, chương trình đại học, thí sinh chỉ cần 1 từ def là có thể học tốt.

Trong trường hợp này, bài thi phải làm sao kiểm tra được đúng điều cần kiểm tra, tức là giao của 2 tập hợp trên, kiểm tra đúng từ def.

Để làm được chuyện này, cần phải có đội ngũ có chuyên môn ngôn ngữ cực kì sâu rộng, am hiểu tận gốc rễ, nắm được chương trình phổ thông và đại học. Đây chính là nền móng ngôn ngữ để xây dựng một bài thi chuẩn hóa thuần ngôn ngữ.

Thứ hai, phải xây dựng hoặc chọn lọc được những nguyên lý và kĩ thuật khảo thí, tức những kĩ thuật ra đề, xây dựng từng câu hỏi (đây là những thứ có thể giữ bí mật). Những kĩ thuật này phải có độ chính xác, tin cậy và ổn định qua thời gian.

Một câu hỏi trắc nghiệm hay phải được xây dựng và sàn lọc từng hàng trăm câu hỏi trắc nghiệm, thử nghiệm trên hàng trăm thí sinh.

Con đường xây dựng một câu hỏi, từ nguyên lý và kĩ thuật ra đề, cho đến câu hỏi hoàn chỉnh, đảm bảo tính hiệu quả, là quá trình vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải kết hợp chuyên môn về ngôn ngữ và kĩ thuật khảo thí ở mức độ rất cao.

Thầy phân tích một số kĩ thuật ra đề thi IELTS và TOEFL iBT thì thấy nhiều kĩ thuật ra đề dù hơn chục năm qua không đổi và giá trị khảo thí vẫn giữ nguyên. Cá nhân thầy, có những câu hỏi trong đề thi TOEFL ITP, càng đọc, càng thấy thích.

Thứ ba, đó là xây dựng một thang đo năng lực, đủ khả năng đo lường, đánh giá và phân loại thí sinh tương đối chính xác. Các bạn có thể hình dung thang đo này giống như một cây thước, đặt vào đo lường khả năng ngôn ngữ của từng thí sinh.

Ví dụ, thí sinh này có trình độ 9 đơn vị, thí sinh kia đạt 14 đơn vị. Ngoài độ chính xác, thang đo này phải có tính liên thông và tương thích với nhiều hệ thống bài thi, và có thể quy đổi sang những thang đo khác, cũng tương tự như trong vật lý, có thể quy đổi từ độ F sang độ C và ngược lại.

Một thang đo chuẩn phải được xây dựng trên nền tảng vận dụng nhiều kĩ thuật, kết hợp ngôn ngữ và thống kê. Không phải đơn giản mà Cambridge Assessment English hình thành được thang đo Cambridge English Scale; hay tạo ra Common Core standards mà bài thi SAT đang sử dụng.

Phải trải qua rất nhiều nghiên cứu ngôn ngữ và khảo thí, cả định tính và định lượng phức tạp, mới tạo ra được một thang đo chính xác.

Thực tế, hiện tại có rất ít bài thi chuẩn hóa hội tụ đủ 3 tiêu chí nêu trên. Chưa kể, đó chỉ là những tiêu chí tối thiểu, chưa kể những nguyên lý nền tảng khác như practicality, validity, reliability, authenticity hay washback.

Phải mất rất nhiều thời gian và nguồn lực mới có thể xây dựng được một bài thi chuẩn hóa hiệu quả. Thời gian xây dựng phải tính bằng nhiều năm và phải đảm bảo bài thi được liên tục sử dụng trong nhiều năm tiếp theo chứ không thể mỗi năm mỗi khác. 

Ví dụ, một học sinh, cần phải có tối thiểu 3 năm phổ thông để học tập, rèn luyện và chuẩn bị cho một bài thi chuẩn hóa vào đại học. Bài thi chuẩn hóa đầu vào có tác dụng phần nào trong việc chỉ đạo, định hướng cho việc học ở phổ thông. Cho nên, không thể chấp nhận chuyện học sinh vào lớp 10 mà vẫn chưa biết 3 năm sau mình sẽ vào đại học bằng bài thi nào, quy trình tuyển chọn ra sao. Biết trước 1 năm đã là quá trễ.

Một bài thi, dù là mục đích gì, trong môi trường nào, nếu không được xây dựng bởi một tổ chức khảo thí hoặc những cá nhân làm khảo thí chuyên nghiệp, thì bài thi đó chỉ là bài thi mang tính thủ tục hành chính; không có giá trị chuyên môn gì đáng kể. Giảng dạy hiệu quả đã khó, ra đề thi hiệu quả còn khó hơn nhiều lần.

Thực tế, rất nhiều trường hợp, dù học rất giỏi, kết quả thi rất tốt nhưng rồi, cũng như không. Nguyên nhân cũng vì, học tốt nhưng học không đúng cái cần học ở đời; thi rất tốt, nhưng tốt những điều mà xã hội không cần.