Có vài bạn sinh viên mới ra trường hỏi về phương pháp dạy, vì chỗ này khác chỗ kia, học ở trường có nhiều điều khác với ngoài thực tế. Bên em đang làm phải làm như vầy, như kia v.v. Thầy nói, ở đâu thì theo đó. Nói thêm một chút để hiểu bản chất vấn đề.
Trong giáo dục ngôn ngữ, có nhiều cách tiếp cận (approach), phương pháp (method) và kĩ thuật (technique) khác nhau để phục vụ cho quá trình dạy và học. Tính khả thi và mức độ hiệu quả của mỗi phương pháp như thế nào thì tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ người học, người dạy, cơ sở vật chất cho tới mục đích học tập .v.v.
Có những nơi “dạy học theo dự án” (project-based), lại có những nơi đề cao “case study” (nghiên cứu tình huống), … muôn hình vạn trạng.
Vậy thầy hỏi rằng, nếu chỉ giảng lý thuyết đơn thuần thì không học được sao? Học viên không thích tương tác, vậy không thể học tiếng Anh được sao? Nếu học viên không thích “team work” thì cũng phải học theo nhóm à? Cho nên, mấu chốt vẫn là chỗ chữ “tùy”. Tùy vào rất nhiều yếu tố, không cần tranh cãi, cũng không cần phải thảo luận thêm. Tây có lý của Tây, Đông có lý của Đông.
Liên quan đế vần đề phương pháp là giáo trình. Rất dễ nghe những câu như: “Dạy bộ này mới hay”, “bộ kia mới hơn, hấp dẫn, thời sự, cập nhật” v.v. Thầy cho rằng, giáo trình, biết sử dụng sẽ rất tốt, nhưng sử dụng không đúng chỗ, không đúng cách thì không đạt hiệu quả như mong muốn.
GIÁO TRÌNH & SÁCH VỞ DƯỚI GÓC NHÌN CÁ NHÂN
Từ có thời, một cuốn giáo trình được sử dụng rất lâu, thậm chí còn được xem là “chuẩn mực” (như bộ Streamline hay Headway), vì lúc đó, cả người học lẫn người dạy có rất ít lựa chọn.
Hiện nay, các nơi thay giáo trình nhanh hơn, có khi 1-2 năm một bộ sách.
Giáo trình thực hành ngôn ngữ, bản chất là tập hợp của những “bài tập” (exercise) hoặc “hoạt động” (activity), được sắp xếp và hệ thống hóa theo một “khung sườn” nhất định, dựa trên một số nguyên lý và cách tiếp cận riêng. Tương tự như phương pháp, sử dụng giáo trình nào và như thế nào, đó là chữ “tùy”.
Thông thường, sự tôn sùng hoặc sùng bái quá mức một đều gì đó đều xuất phát từ sự thiếu chuyên môn hoặc thậm chí kém hiểu biết.