Ngẫu hứng hai câu chuyện về việc học tiếng Anh và một vài chia sẻ quan niệm của thầy.

Câu chuyện thứ nhất. Một buổi tối vừa dạy ra, bạn thầy nhắn tin Facebook gửi 1 clip dạy tiếng Anh qua bài hát, thầy thấy có thành ngữ go grab a bite.

Khá ngạc nhiên là ngay cả em gái thầy cũng gửi một cái clip có phong cách tương tự, vừa học vừa hát. Đây là một cách học, nhưng đối với thầy, mức độ thu nạp kiến thức và ứng dụng không đạt hiệu quả.

Câu chuyện thứ hai. Trưa hôm nay, thầy ghé tiệm in lấy quyển tài liệu. Trong khi đứng chờ, có một bạn vào photo một tờ giấy handout (tài liệu hỗ trợ trong buổi học). Tiện đứng kế, thầy hỏi tài liệu dạy gì vậy em. Bạn này nói bài đọc cho lớp hôm nay. Thầy nhìn thấy là bài đọc hiểu về một nhà khoa học, kiểu bài đọc ở trên và bài tập bên dưới, được “photo” ra từ một vài trang sách.

Phát hand-out hỗ trợ bài học là chuyện bình thường, nhưng hand-outphoto từ một trang sách thì không hẳn là bình thường. Nhớ hồi 2011, khi làm trưởng cơ sở tại TTNN Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhiều lúc 5 giờ rưỡi sáng, có một giáo viên nhắn tin báo nghỉ đột xuất. Bất đắc dĩ, thế là thầy phải giở sách ra, tìm đâu đó một bài học để 7 giờ vào “đóng thế“. Rất giống như chữa cháy. 

Ở một số nơi, thậm chí cả trường cao đẳng và đại học, khi vào đầu niên khóa, nếu sinh viên chưa có giáo trình, cũng phải dùng biện pháp chữa cháy như vậy. Các bạn bây giờ thấy kiểu “giã chiến” và “câu giờ” thế này rất nhiều. Đây là việc không nên.

Khi học tiếng Anh, học viên cần có giáo viên cùng với một bài giảng soạn sẵn. Trong đó, giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn đầy đủ và chi tiết về mặt ngôn ngữ v.v. 

Quan trọng hơn, khi học, phải có hệ thống bài học xuyên suốt, khung chương trình chuyên biệt cùng với những mục tiêu học tập cụ thể. Tùy theo mục đích học tập mà dùng cách tiếp cận và phương pháp phù hợp.

Riêng về vấn đề xây dựng chương trình và hệ thống giáo trình, có lần thầy cũng trình bày một cách khái quát trong bài viết “THỰC” HỌC VIẾT?! 

Một chương trình tốt, phải xây dựng từ nền tảng ngữ liệu; vì chỉ có dựa vào ngữ liệu mới quyết định được xem cái gì là kiến thức và kĩ năng cốt lõi. 

Những câu hỏi như: học từ nào trước?”, “học từ nào sau?”, “học điểm ngữ pháp nào?”, “học thành ngữ nào?” hay học cụm từ nào?” v.v. là những câu hỏi chỉ có phân tích ngữ liệu mới trả lời được.

Có thể thấy rõ ràng rằng, chương trình học phải là sự kết tinh kiến thức và kĩ năng, dựa trên cơ sở lý luận và những nguyên lý nhất định. Xây dựng một chương trình học rất khó, đòi hỏi kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm liên ngành (inter-discipline).

Tóm lại, dạy và học nói chung, và tiếng Anh nói riêng, nếu đúng nghĩa và nghiêm chỉnh, là quá trình có tính hệ thống và khoa học ở mức độ cao. Đây là lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn rất sâu, tốn công tốn sức.