Trong bài viết này, thầy trình bày một góc nhìn chuyên sâu về việc dùng từ trong bài thi IELTS nói riêng và bài thi chuẩn hóa nói chung, giúp các bạn hiểu rõ hơn và có sự lựa chọn phù hợp mỗi khi sử dụng từ vựng trong việc học và ôn luyện.
Mặc dù có dạng thức (format) khác nhau và mục tiêu có đôi chút khác nhau, chủ yếu về câu chữ diễn đạt, về cơ bản, những bài thi chuẩn hóa như IELTS, TOEFL iBT hay, PTE Academic xoay quanh kiểm tra kiến thức và kĩ năng cốt lõi, cũng như đánh giá và dự báo xem thí sinh đủ khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập (hoặc công việc) ở giai đoạn tiếp theo hay không.
Bài thi chuẩn hóa thuần ngôn ngữ tập trung đúng vào việc kiểm tra để đo lường và đánh giá kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ, cụ thể là từ vựng, ngữ pháp và phát âm. Chuyện hay dở, sâu sắc khi sử dụng ngôn ngữ không quan trọng. Hay là hay thế nào? Sâu sắc như thế nào mới là sâu sắc?
Thầy lấy ví dụ, hôm trước có thí sinh hỏi thầy giữa 2 động từ “persuade” hay “convince”, dùng từ nào cho hay? Bạn nói rằng lúc thấy người khác dùng thế này, lúc thấy người khác dùng thế kia v.v.
Thầy nói, sử dụng từ nào không quan trọng, giám khảo chấm bài bạn không quan tâm, và mai này nếu dùng máy tính để chấm bài, càng không quan trọng.
Cả hai từ “convince” hay “persuade” dù có khác nhau đôi chút, nhưng cách sử dụng về mặt ngữ pháp là giống nhau y chang, và còn cùng được xếp ở mức B1 châu Âu.
Bây giờ dùng một từ “thuyết phục” khác cho “sang”, ví dụ như từ “induce“ được không? Theo thầy phải tùy ngữ cảnh. Vì động từ “induce“ là cách diễn tả trang trọng (formal) và mang tính biểu cảm, nghĩa là “thuyết phục người khác làm một điều gì đó, đặc biệt là những thứ không khôn ngoan cho lắm” (to persuade someone to do something, especially something that does not seem wise).
Ví dụ:
- to induce someone to invest in crytocurrency, especially in 2019
- to induce people to believe in something ‘great’ and ‘living forever’ =))
- to induce someone to believe that Vietnamese football squad has been eligible for a world-
class competition
Từ “induce“ này dùng trong văn chương hoặc báo chí hợp hơn là dùng trong văn cảnh học thuật.
Ngoài ra, bạn cứ tưởng tượng xem, nếu cả bài viết có chất lượng bình thường, tự dưng thí sinh sử dụng một từ “hoa hòe” như vậy, có phù hợp không?
Thầy cho rằng, thí sinh nên dùng từ đơn nghĩa như “persuade” hay “convince” trong bài viết và bài nói để đảm bảo độ chính xác và diễn đạt rõ ràng.
Thí sinh sử dụng từ hay – dở không quan trọng. Quan trọng là từ đó phải ở trên mức “trung bình khá” và không được dùng sai ngữ pháp. Không ai để ý đến cảm xúc hay quan điểm của thí sinh trong bài.
Giám khảo không đánh giá cao và cũng không đủ trình độ đánh giá sự đóng góp ý tưởng mới của thí sinh vào “kho tàng tri thức nhân loại” được thể hiện qua các bài viết hay bài nói.