Nếu các bạn theo dõi nhiều bài viết, chắc chắn sẽ thấy thầy nhiều lần đề cập đến quy đổi chuẩn tiếng anh và Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (viết tắt là CEFR).

Thầy không hoàn toàn ủng hộ khung này, nhưng vẫn xem là bảng hướng dẫn tốt nhất dành cho việc dạy và học ngôn ngữ nói chung.

Các bạn cần hiểu rõ, vì khung này xuất phát từ châu Âu, tên gọi mang là khung châu Âu, nhưng được dùng toàn cầu; và quan trọng hơn, khung này không chỉ dành riêng cho tiếng Anh, mà có thể dùng cho bất kì ngôn ngữ nào khác, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, hoặc Bồ Đào Nha.

Khung này gọi cho gọn và dễ hiểu là khung tham chiếu 6 bậc (A1, A2, B1, B2, C1, C2). Mỗi bậc miêu tả kĩ năng ngôn ngữ nhất định mà người học đạt được.

Ví dụ, người học bậc A1 có thể làm được một việc như “Giới thiệu bản thân, hỏi và trả lời những câu hỏi cơ bản về cá nhân, chẳng hạn như nơi ở, những người mình biết hoặc những thứ mình có” (Can introduce him/herself and others and can ask and answer questions about personal details such as where he/she lives, people he/she knows and things he/she has).

Việc dùng một khung tham chiếu ngôn ngữ quốc tế là việc rất cần thiết, để có một tiêu chuẩn chung, rồi dựa vào đó xây dựng chương trình, giảng dạy và khảo thí. Một số nước, nơi có hệ thống đào tạo ngoại ngữ còn yếu kém, và vì những “lợi ích kinh tế” trong việc tổ chức thi, đã cố tình “địa phương hóa” (localized) khung tham chiếu này để sử dụng.

Thầy ví dụ thế này, thay vì đăng kí dự thi bài thi tiếng Anh First (trước đây còn gọi là FCE) của Cambridge Assessment English (CAE, Bộ phận khảo thí tiếng Anh Cambridge) để hướng tới chuẩn B2 theo khung châu Âu, thì một số đối tượng thí sinh có thể đăng kí thi một “bài thi có vẻ giống B2” ở một “cơ sở nào đó” đã được cơ quan giáo dục địa phương cấp phép để được chứng nhận trình độ “B2 địa phương hóa”, dùng cho “mục đích nào đó tại địa phương”.

Xin lưu ý, thầy không bàn luận đúng hay sai, điều thầy muốn nhấn mạnh là, học ngoại ngữ là học theo chuẩn quốc tế; không ai đi học và thi theo chuẩn địa phương cả. Địa phương hóa một tiêu chuẩn ngôn ngữ quốc tế là sai cơ bản về mặt chuyên môn.

Vì sự phổ biến của Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu ở nhiều nước, nên một số tổ chức khảo thí đã áp bài thi của mình vào đó. Ví dụ, đạt được mức điểm bao nhiêu sẽ tương đương với trình độ nào đó trong khung châu Âu.

Vừa rồi, thầy tình cờ thấy báo chí đưa tin Nhiều học sinh tiểu học đạt trình độ tiếng Anh chuẩn tốt nghiệp đại học. Trong bài báo giải thích là nhiều thí sinh dự bài thi TOEFL® Junior và hoàn thành bài thi ở mức điểm tương đương bậc 4 – chuẩn tốt nghiệp đại học không chuyên ngữ.

thông tin bao chí - quy đổi chuẩn tiếng anh

Việc “giật tít” để câu “view” là chuyện hiển nhiên của báo chí, không có gì để bàn. Tuy nhiên, so sánh một kì thi tiếng Anh dành cho đối tượng là học sinh trung học cơ sở và chuẩn tiếng Anh cho sinh viên đại học là sai lầm hoàn toàn.

Vậy sinh viên đại học đăng kí thi TOEFL Junior, đạt đủ điểm theo chuẩn tiếng Anh để ra trường, liệu có được chấp nhận hay không? Sang tuần sau, thầy bảo học viên chuyên ngữ đi thi TOEFL Junior, chỉ cần đạt tầm 850/900, vậy các bạn đó có được công nhận là đạt bậc 5 (C1) hay bậc 6 (C2) theo khung tham chiếu 6 bậc (quốc tế hoặc đã được địa phương hóa), tức là mức độ nâng caothông thạo, vậy có được không?

Cần hiểu rõ hơn, bài thi TOEFL® Junior (bản tiêu chuẩn) chỉ gồm 3 phần:

  • 42 câu Nghe hiểu (Listening Comprehension)
  • 42 câu Hình thức ngôn ngữ & Nghĩa (Language Form & Meaning)
  • 42 câu Đọc hiểu (Reading Comprehension)

Tất cả câu hỏi đều là dạng trắc nghiệm, tổng thời gian làm bài dài 1 giờ 55 phút. Ngoài ra, bài thi này còn có thêm phần thi Nói (Speaking), nhưng đây là bài thi độc lập và không bắt buộc.

Tổ chức quản lý bài thi TOEFL Junior tại Việt Nam muốn miêu tả điểm số và đánh giá năng lực ngôn ngữ của thí sinh tham dự bài thi như thế nào là chuyện của riêng họ.

Nhưng việc quy đổi điểm số bài thi này theo khung tham chiếu 6 bậc châu Âu (quốc tế hoặc đã được địa phương hóa) và công bố trên truyền thông là sai hoàn toàn về chuyên môn.

Lý do rất đơn giản(**), thứ nhất, bài thi này không có phần thi viết; và thứ hai, bản tiêu chuẩn của bài này chỉ gồm những câu hỏi trắc nghiệm nên không thể kiểm tra trực tiếp kĩ năng tạo ra ngôn ngữ (productive skills), bao gồm kĩ năng nói và viết của thí sinh.

Thí sinh dự thi TOEFL Primary hay TOEFL Junior thường là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, thi tham khảo “cho vui”.

Kiểu phát ngôn giáo dục đánh lừa đại chúng như tuyên bố Nhiều học sinh tiểu học đạt trình độ tiếng Anh chuẩn tốt nghiệp đại học như trên thầy thấy rất nhiều. Hôm trước, thầy thấy ngoài đường treo biển quảng cáo, ghi là hàng ngàn thí sinh ở trung tâm ABC nào đấy đạt chứng chỉ tiếng Anh Cambridge.

Thực chất, cứ đóng tiền đăng kí thi là được cấp bảng điểm. Chỉ cần xuất hiện trong phòng thi “check-in” là được cấp chứng chỉ, cần gì phải học. Bài thi tiếng Anh quốc tế thường “nhân văn” như vậy, thí sinh nào cũng được cấp chứng chỉ cả, vấn đề trên đó ghi bao nhiêu điểm.

Cho nên, phải hỏi rõ lại là bao nhiêu thí sinh đạt điểm cao, cỡ “14/15 khiêng” trong bài thi Cambridge Starters, Movers hay Flyers thì mới được. Cũng nên nhớ rằng, điểm thi là bí mật, nếu có thể thống kê và được giám sát độc lập, thầy cũng nể lắm.

Tương tự như TOEFL Primary, TOEFL Junior, một bài thi khác thầy từng đề cập là TOEIC. Kết quả bài thi TOEIC (phiên bản chỉ gồm kĩ năng Listening – Reading) không thể nào áp vào khung tham chiếu 6 bậc được(***), vì tất cả các câu hỏi trong bài thi này chỉ đơn thuần một dạng trắc nghiệm, không thể hiện được gì về kĩ năng tạo ra ngôn ngữ. Thế nhưng, nhiều năm nay, từ khi thầy còn là sinh viên năm nhất cho đến bây giờ, chuyện quy đổi chuẩn tiếng Anh này vẫn diễn ra ở rất nhiều cơ sở giáo dục.

Nhiều nơi xem mức điểm 550 hay 650 của bài thi TOEIC Listening Reading là tương đương chuẩn B1B2 theo khung châu Âu. Điều này rõ ràng là sai hoàn toàn về chuyên môn.

Thầy khẳng định, bài thi TOEIC® Listening – Reading không thể so sánh ở khía cạnh nào, hay quy đổi với bất kì cấp độ nào trong khung tham chiếu 6 bậc dù là quốc tế hoặc đã được địa phương hóa.

Việc tham dự những bài thi TOEFL Primary, TOEFL Junior hay TOEIC Listening – Reading và dùng kết quả thi để tham khảo chung, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, việc tự ý quy đổi điểm số những bài thi này sang khung tham chiếu 6 bậc và tự xem là đã đạt chuẩn ngôn ngữ theo khung châu Âu là sai hoàn toàn.

Đứng ở góc độ khảo thí, việc dạy và học tiếng Anh không đạt được hiệu quả một phần là do sử dụng một phiên bản bài thi khiếm khuyết để làm tiêu chuẩn đo lường.