Chia sẻ với các bạn một chút về việc xây dựng thang đo trong giáo dục để có thể áp dụng toàn cầu.

Ở một số nước, khi sinh viên đang theo học tại một trường và muốn chuyển sang học ở một trường khác để tiếp tục hoàn tất chương trình, sau khi được trường khác và trường đang theo học chấp thuận, sinh viên có thể chuyển những môn (course*) đã học từ trường đang học sang trường kia, để được miễn học lại những môn có nội dung tương đối trùng nhau.

Trường hợp học xong một chương trình, và tiếp tục học một chương trình khác tại một trường thứ hai, cũng có thể làm tương tự.

Việc này thường diễn ra khi giữa các nhóm trường có thỏa thuận với nhau về việc chuyển đổi tín chỉ (credit transfer agreements) và còn phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, ví dụ, mã số và tên môn học (course code & title), miêu tả môn học (course description), tổng số giờ học (total hours), cách thức kiểm tra (assessment weighting) hoặc nội dung thực dạy mỗi tuần (weekly topic).

Ví dụ, một sinh viên đã hoàn thành môn Business Model, 2 tín chỉ, ở trường ABC, thì sau khi sang học trường XYZ có thể được xem xét miễn giảm học môn này nếu cả 2 môn có sự tương đồng về những yếu tố mà thầy đã nêu trên.

Việc liên thông này thể hiện tính đồng bộ và cả tính toàn cầu hóa của hệ thống giáo dục. Như vậy có nghĩa là kiến thức và kĩ năng, học ở đâu cũng định lượng tương tự nhau.

Thực tế, việc chuyển đổi này tạo tính liên thông giữa các chương trình và thể hiện rằng chương trình giữa các trường có sự tương đồng, cùng một chuẩn đào tạo. Cũng là một cách để quảng bá, kiểu như, trường thầy rất “xịn”, tín chỉ có thể liên thông ở nhiều trường khác.

GIÁO DỤC PHẢI LÀ QUY TRÌNH TƯƠNG ĐỐI TOÀN DIỆN

Tuy nhiên, nói lý thuyết dễ, trong thực tế, việc chuyển đổi rất rắc rối. Khách hàng đâu phải muốn đi thì đi, muốn đến thì đến. Nếu đến, phải đóng thêm học phí. Có rất nhiều rào cản cho việc quy đổi này. Cá nhân thầy cho rằng, sinh viên đã học chương trình nào, nên học cho xong, đừng chuyển tới chuyển lui, trừ khi gặp trường hợp bất khả kháng.


Thực sự, việc cho phép chuyển đổi số tín chỉ giữa các ngành và các trường, trong thực tế chủ yếu mang tính kinh tế và hình thức nhiều hơn là tính chuyên môn.

Những điều như thầy đã đề cập ở trên như mã số và tên môn học, miêu tả môn học, tổng số giờ học, cách thức kiểm tra, nội dung thực dạy mỗi tuần v.v. dù có giống nhau thế nào đi nữa, chỉ cần sinh viên học với 2 giảng viên khác nhau cũng đã có sự khác biệt đáng kể trong cách dạy và tiếp thu kiến thức.

Cho nên, việc xét công nhận hay chuyển đổi tương tương giữa 2 môn học trong cùng một ngành học giữa 2 trường là điều gần như không thể.

Muốn điều này trở thành có thể, có một cách như sau, đứng về mặt khảo thí, đó là xây dựng và sử dụng những thang đo trong giáo dục chuẩn, cả định lượng và định tính, thống nhất trong việc đo lường kiến thức trong từng lĩnh vực.

Ví dụ đơn giản hóa như sau, với môn học Business Model, các khoa hoặc trường dạy chuyên ngành quản trị kinh doanh đều phải dạy môn này hoặc một môn nào đó, tuy khác tên, nhưng có nội dung tương tự.

Vậy thì cần có một tổ chức khảo thí độc lập, đứng ra tổ chức một kì thi chuẩn hóa để kiểm tra những kiến thức liên quan đến business model hoặc các model trong business.

Sinh viên học kiến thức gì, học thế nào, hay học với ai, ở trường nào cũng được, miễn đạt đủ điểm chuẩn của bài thi chuẩn hóa business model của tổ chức khảo thí độc lập thì xem như đã đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết của môn học này. Kết quả (điểm thi cuối kì) đem đến bất kì trường nào cũng được chấp nhận và sinh viên không cần học lại.

Điều này cũng tương tự những bài thi chuẩn hóa tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL iBT hay PTE Academic.

Thí sinh dự thi học ở đâu, học gì, học thế nào, học với ai không cần biết, miễn thi đủ điểm là đạt đủ chuẩn. Các kĩ năng thực hành tiếng Anh như nghe – nói – đọc – viết thì chỉ cần như vậy.

Nhiều người nói rằng có thí sinh đạt IELTS 6.5 hay TOEFL iBT 100 điểm mà không giao tiếp tiếng Anh được. Ý không giao tiếp tiếng Anh được thầy không hiểu là như thế nào? Giao tiếp kiểu gì, tiếng Anh kiểu nào? Nhìn tổng quan, sự định lượng và định tính của bài thi chuẩn hóa là rất cao, chính xác hơn nhiều so với cảm nhận chủ quan của thầy cô.

Thầy không khẳng định những thang đo hay các bài thi chuẩn hóa là chính xác hoàn toàn; nhưng ít nhất, hiện nay không có bất kì một giải pháp nào có thể định lượng và định tính tốt hơn.

Trong giáo dục và đào tạo nói chung, cần phải xây dựng những thang đo chuẩn hóa, giống như thang đo mét hay kilogram trong hệ thống đo lường quốc tế (SI). Khi nào có những thang đo vậy, mới đảm bảo được lượng kiến thức được hàm thụ giữa các sinh viên có sự tương đồng.

Ví dụ, 20 cm thì ở Mỹ hay ở Úc cũng là 20 cm; 40 điểm “business” ở Úc hay ở Mỹ cũng như nhau. Chừng nào chuẩn hóa đạt đến mức như vậy, mới có sự phát triển đột phá trong giáo dục và đào tạo nói chung. Vậy mới là thế giới “phẳng” đúng nghĩa trong giáo dục.


(*) từ course hay được sinh viên gọi nhầm là môn. Hiểu đúng thì phải gọi khóa học.