Tuần rồi, khi đi trình bày tại một hội thảo về giảng dạy tiếng Anh, thầy có ghé ngang gian hàng của vài nhà xuất bản. Đối với các bạn chưa rõ, thầy giải thích một chút về các loại sách & giáo trình (dạy và học tiếng Anh). 

Có thể phân loại như sau:

  • sách tham khảo (reference book)
  • sách giáo trình (coursebook)
  • sách giáo khoa (textbook)

SÁCH THAM KHẢO

Sách tham khảo (thỉnh thoảng còn gọi là sách công cụ) thông thường dùng để tra cứu về một chủ đề cụ thể. Ví dụ như học viên không biết nghĩa của từ (chuyên ngành) thì dùng từ điển (chuyên ngành) để tra cứu. 

Từ điển hay bách khoa toàn thư là những dạng phổ biến của sách tham khảo. Bách khoa toàn thư Wikipedia hay Encyclopedia Britannica là những cơ sở dữ liệu khổng lồ giúp cho việc tham khảo trở nên rất dễ dàng. 

giáo trình và sách dạy + học tiếng anh

Hình thầy chụp ở trên là một số từ điển và từ điển bỏ túi (pocket) dành cho học viên tiếng Anh khá phổ biến tại các nhà sách ngoại văn. Những quyển sách công cụ này có thể dùng để tra cứu trong các khóa học.

SÁCH GIÁO TRÌNH

Sách giáo trình là loại sách được thiết kế dành riêng cho một khóa học kiến thức và kĩ năng nhất định. 

Trong các khóa học ngôn ngữ nói chung, ví dụ như tiếng Anh, giáo trình cần phải được sử dụng dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Vì bản chất của giáo trình nằm ở chỗ “thiết kế riêng cho từng khóa học” cho nên dùng một giáo trình “đại trà” trên thị trường để dạy chung cho nhiều khóa học là sai về mặt phương pháp, và học viên cũng rất khó sử dụng giáo trình nếu không có sự hướng dẫn.

Giáo trình phải được thiết kế riêng cho những mục tiêu học tập, người dạy, học viên và hoàn cảnh học tập cụ thể v.v. 

Hiện nay, một số quyển giáo trình còn đóng dấu “self-study” (tự học). Cá nhân thầy cho rằng, việc làm này vì mục đích kinh doanh chứ hoàn toàn không có ý nghĩa hay giá trị thực tế gì cả. 

Về việc tự học, thầy cũng đã từng gián tiếp đề cập trong một số bài viết. Các bạn có thể tham khảo bài bên dưới.

BÀN LUẬN ĐÔI ĐIỀU VỀ VẤN ĐỀ TỰ HỌC TIẾNG ANH

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ, căn cứ vào tình hình thực tế, cần một khung chương trình chung thống nhất cùng với những mục tiêu đào tạo cụ thể. Dựa vào đó, và tùy vào từng nhóm học viên và điều kiện học tập nhất định, mỗi giáo viên phải tự xây dựng giáo trình, bài giảng riêng, cùng với phương pháp giảng dạy. 

Cho nên, [1] giáo viên, [2] phương pháp và [3] giáo trình là 03 thứ không thể tách rời. Không thể có chuyện đào tạo hàng loạt “ai cũng có thể trở thành thầy/cô”, không thể có một phương pháp “đại chúng”, và càng không thể có một bộ giáo trình “đại chúng” hay một bài giảng “đại chúng”.

SÁCH GIÁO KHOA

Sách giáo khoa là sách viết về một chủ đề khoa học nhất định, ví dụ như cuốn Principles of Economics (N. Gregory Mankiw). Sách giáo khoa có thể dùng độc lập cho mục đích nâng cao kiến thức thuần túy; dùng kèm hoặc thậm chí làm giáo trình chính trong các khóa học. Nếu muốn tìm hiểu, bất cứ ai vẫn có thể tìm đọc và học được ít nhiều trong những quyển sách giáo khoa.

Trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, chỉ có sách giáo khoa về ngôn ngữ (học) tiếng Anh, về phương pháp giảng dạy hoặc một số khía cạnh chuyên sâu chứ không có sách giáo khoa về thực hành tiếng Anh. 

Trong một số chương trình đào tạo sau đại học, có thể dùng một quyển sách giáo khoa (tốt) để xây dựng đề cương bài giảng, và thậm chí là xây dựng giáo trình.

Những giải thích của thầy phần nào giúp các bạn học viên hiểu sơ lược công dụng của một vài loại sách. 

Mấu chốt của sự học nằm ở sự “minh định”, hiểu rõ bản thân mình trước rồi mới đến chuyện học. Kiến thức thực sự không chỉ nằm trên trang sách. Và cũng nên nhớ một lời khuyên cổ xưa, “Kinh thư vạn quyển không bằng minh sư chỉ điểm”.