Hôm trước, thầy chuẩn bị đi ngủ thì một anh gọi, hỏi thầy quen ai bên nhà xuất bản không. Thầy nói mình lâu rồi không liên lạc, nhưng thầy cũng tìm lại số điện thoại và email để giúp anh ấy.
Chiều hôm sau, một chị bạn gọi điện hỏi thầy cũng giống vậy, khác là chị hỏi luôn tựa sách nào để dạy trình độ A2 châu Âu theo bài thi Cambridge, để chị đề xuất cho trường. Thầy hỏi, dạy cho ai, chị nói dạy cho sinh viên toàn trường của chị. Thì ra anh gọi tối qua và chị dạy cùng một trường, hiện tại đang luống cuống tìm sách để dạy cho sinh viên cả trường.
Thầy đọc cho chị vài tựa sách, và nói chị tìm cuốn catalogue ELT của nhà xuất bản nào đấy, chọn đại một bộ sách cho xong việc là được rồi. Vì là chị bạn thân, thầy cũng nói thêm là chị đừng “xớ rớ” vào, giúp không được nhiêu, không ai trân trọng, dạy cũng không được bao nhiêu, mà mất công, có khi mang tai mang tiếng. Có những thứ không sửa được, chỉ có bỏ đi xây lại cái mới.
Thầy rất hay được hỏi “Thầy/ anh dạy giáo trình gì?“. Đây là câu hỏi khó. Vì sao?
Thầy nói sơ lược về giảng dạy ngoại ngữ, có thể gọi cho sang và rộng hơn là giáo dục ngôn ngữ.
Giáo dục toàn diện – [1] Xác định mục tiêu và chính sách tổng thể
Quá trình giảng dạy ngoại ngữ, nhìn tổng thể, thực chất bắt đầu bằng việc một đất nước [1] xác định mục tiêu và chính sách giáo dục ngôn ngữ tổng thể, trong ngắn hạn và dài hạn, cân bằng giữa nhiều yếu tố như kinh tế, văn hóa, xã hội … Việc này thầy không bàn chi tiết ở đây.
Giáo dục toàn diện – [2] Xác định chuẩn đầu ra
Bước tiếp theo là các sơ sở đào tạo [2] xác định chuẩn đầu ra phù hợp với (a) tầm nhìn và năng lực đào tạo, (b) yêu cầu từ môi trường kinh tế xã hội, và (c) học viên, bao gồm những yếu tố như nhu cầu, năng lực, thời gian và tài chính ...
Rõ ràng, chỉ ở bước xác định chuẩn đầu ra tương đối phù hợp cho việc đào tạo ngoại ngữ tại một cơ sở giáo dục là cực kì phức tạp, vì phải dung hòa với rất nhiều yếu tố như thầy vừa đề cập ở trên.
Các bạn cứ tưởng tượng một trường đại học 9 khoa, vài chục chuyên ngành, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thì làm sao có thể dùng chung một chuẩn ngoại ngữ đầu ra. Nhưng chọn thì phải chọn thôi.
Một ví dụ nhỏ, thầy từng “luyện tiếng Anh” chuẩn đầu ra B1 châu Âu cho nhiều lớp học viên cao học kinh tế. Trong lớp đa dạng thành phần, từ cán bộ ngân hàng, viễn thông, kế toán, xuất nhập khẩu cho đến kiểm lâm. Một anh học viên nói với thầy: “Em học tiếng Anh là bất đắc dĩ thầy ơi”.
Rõ ràng, việc yêu cầu một học viên đang làm kiểm lâm ở Gia Lai, nếu gặp người “nói khác ngôn ngữ” thì cùng lắm tiếp xúc với người dân tộc Ê đê hay Xơ đăng, phải có chuẩn tiếng Anh đầu ra tương đương B1 châu Âu như một người làm làm xuất nhập khẩu tại cảng Sài Gòn là chuyện khó cho cả người dạy lẫn người học.
Một ví dụ khác, sinh viên chuyên ngành kinh tế đối ngoại, ngoại thương hay marketing thì phải đủ kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ, đạt chứng chỉ BEC Business Vantage hay BEC Business Higher (Cambridge Assessment English) hoặc một bài thi có độ khó tương đương mới có thể đủ kĩ năng ngôn ngữ bước vào thị trường lao động, chứ không thể có chuyện học thi vài trăm điểm TOEIC cho xong.
Việc xác định một chuẩn đầu ra đúng mức quyết định chất lượng giáo dục thực chất. Cho nên mới có chuyện, đủ chuẩn của trường mà thiếu chuẩn xã hội.
Giáo dục toàn diện – [3] Xây dựng chương trình
Nhưng thôi, thầy mặc định là cơ sở giáo dục đã chọn được một chuẩn ngoại ngữ đầu ra chung phù hợp với tình hình thực tế, thì việc tiếp theo là [3] xây dựng chương trình. Lúc này, lại phải cân nhắc tiếp hàng loạt các yếu tố, bao gồm (a) thời lượng đào tạo, (b) trọng tâm kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ cốt lõi, (c) học viên, (d) chất lượng đội ngũ giảng dạy, (e) cơ sở vật chất ... Lại thêm một việc không hề đơn giản.
Thực tế, không thể có một chương trình đào tạo cố định nhiều năm, vì các yếu tố ảnh hưởng đến việc cấu thành chương trình như kinh tế, xã hội, kĩ thuật, công nghệ, chất lượng học viên đầu vào đều có sự biến đổi liên tục từng từng năm, thậm chí từng quý.
Giáo dục toàn diện – [4] Xây dựng hệ thống giáo trình
Thầy lại mặc định lần nữa rằng chúng ta đã có một chương trình đào tạo chi tiết với những mục tiêu rõ ràng, lúc này bắt đầu bắt tay vào [4] xây dựng hệ thống giáo trình. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, giáo trình phải được xây dựng dựa trên chương trình vững chắc, phục vụ cho mục tiêu đào tạo, và hiển nhiên, không thể có chuyện chọn mua một bộ giáo trình sẵn có, chia từng phần hoặc chọn vài phần ra sử dụng.
Tất cả các bộ giáo trình đang có trên thị trường chỉ có giá trị tham khảo. Với tình hình hiện tại, tận dụng các giáo trình tốt từ các nhà xuất bản ngoại quốc bằng cách chọn nội dung phù hợp và tổng hợp lại để cho ra bộ giáo trình mới là phương án khả thi và hiệu quả kinh tế nhất, nhưng cũng rất nhạy cảm về bản quyền.
Và quan trọng hơn, cần phải đánh giá tổng thể người học thì mới cho ra giáo trình, chứ không có chuyện giáo trình in sẵn, chờ học viên sử dụng.
Đến đây, các bạn thấy rõ câu hỏi ban đầu thầy nêu ra: “Thầy/ anh dạy giáo trình gì?“ là câu hỏi đáng lẽ không bao giờ xuất hiện, và trả lời cũng không có tác dụng gì. Một quyển giáo trình, một danh sách từ vựng, một tập tài liệu ngữ pháp hay một cuốn đề thi đều là một phần nhỏ của quy trình tổng thể. Chúng ta cẩn thận và chỉnh chu trong từng yếu tố nhỏ, nhưng để góp phần tạo nên thay đổi lớn, cần phải có quy trình lớn, toàn diện.
Giáo dục toàn diện – [5] Quản lý chất lượng giảng dạy
Bước tiếp theo của quy trình là [5] quản lý chất lượng giảng dạy. Chỉ riêng việc tuyển chọn, quản lý đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, đạt chuẩn và duy trì điều này trong ngắn hạn và dài hạn là điều vô cùng phức tạp, vì chắc chắn sẽ liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ tính chuyên môn, định hướng phát triển nghề nghiệp, chế động đãi ngộ, phúc lợi và hàng loạt các vấn đề cá nhân phát sinh khác.
Giáo dục toàn diện – [6] Khảo thí
Bước cuối cùng trong quy trình là [6] khảo thí. Đây lại là một lĩnh vực khá thú vị khác, liên quan tới nhiều nguyên lý và kĩ thuật chuyên biệt. Thầy đã nhiều lần đề cập trong các bài viết của mình.
CHIA SẺ GÓC NHÌN VỀ NHỮNG MỐI QUAN HỆ TRONG GIÁO DỤC
BÀN VỀ TÍNH ĐÚNG – SAI TRONG GIÁO DỤC ĐẠI CHÚNG
Nhìn một cách tổng thể (sơ lược), giáo dục ngôn ngữ đúng nghĩa, đúng thực chất (trong nền công nghiệp), ít nhất phải bao gồm cả 6 bước như thầy vừa miêu tả ở trên. Mỗi bước trong quy trình này đều chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố biến động; cho nên, cả quy trình luôn có sự biến động nhất định tùy vào tình hình thực tế. Cũng đúng, vì giáo dục nói chung và kinh tế xã hội phải luôn song hành cùng nhau.
Và còn khó hơn, không thể định lượng ở đây, vì mỗi yếu tố đều mang tính định tính rất cao. Là một mô hình toán học, nhưng không thể tính chính xác bằng các con số. Nếu một bước gặp vấn đề thì cả quy trình không thể vận hành hiệu quả. Để làm được điều này, ngoài các yếu tố chính sách, tài chính, văn hóa, xã hội … thì hiển nhiên là yếu tố con người phải luôn đặt lên hàng đầu.
Nhìn tổng thể, ở nhiều khía cạnh và truy về nguồn cội, quy trình giáo dục (hiện đại) rất phức tạp. Thầy nhiều lần lặp lại thông điệp: giáo dục (và đào tạo) đúng nghĩa không phải chuyện đùa, không phải ai muốn nói thì nói, ai muốn bàn thì bàn, ai muốn làm thì làm.