Chắc hẳn các bạn đã (từng) nghe cụm từ “ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy” rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông hoặc tại các cơ sở giáo dục. Gần đây, còn nghe thêm về “giảng dạy trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và v.v. Ngày càng nhiều, thậm chí là rất nhiều cụm từ “đao to búa lớn” giống như vậy.
Thầy không biết rằng hiệu quả của việc ứng dụng hay áp dụng công nghệ này đạt tới mức nào, chỉ nêu ra quan điểm cá nhân. Để làm bất kì việc gì, điều đầu tiên là phải có cái nhìn tổng quan cả quá trình, có triết lý xuyên suốt và những nguyên lý cho từng hành động ở từng giai đoạn cụ thể.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, thầy nghĩ phải có cả một mô hình và hướng dẫn cụ thể, từ việc thiết lập, quản trị, kiểm soát và đến đánh giá hiệu quả của cả quá trình.
Quan sát và đánh giá nhiều hệ thống học tập trực tuyến (online) và nhiều hệ thống học tập điện tử (e-learning), thầy đề xuất một mô hình TR-model bao gồm 5 bước:
(Các bài nghiên cứu về mô hình TR, bao gồm [1] Introduction of TR-model in computer-based language education, [2] Computer-Assisted Language Education: A Standard Procedure for Quality, [3] TR-model: A Standard Procedure in Computer-Assisted Language Education đã được mời bày tại The VietTESOL Convention 2018, The VietTESOL International Conference 2018 và CamTESOL 2019, diễn ra tại tại Trường ĐH Công nghiệp (Hà Nội), Trường ĐH Sư Phạm (Tp. HCM) và Học viện Công nghệ Campuchia (Phnompenh, Campuchia)
Bước 1. Phân tích (Analysing) mục tiêu của chương trình xem đầu ra như thế nào, chương trình học yêu câu những gì. Phân tích xem người học có năng lực đầu vào như thế nào, thói quen học tập ra sao. Phân tích người dạy xem phương pháp và thói quen giảng dạy thế nào, năng lực và khả năng sử dụng công nghệ ra sao. Phân tích điều kiện cơ sở vật chất hiện tại và nguồn lực tài chính.
Bước 2. Dựa (Based on) những lý thuyết và nguyên lý về giáo dục, động cơ và hành vi học tập, giảng dạy và năng lực về công nghệ hiện có.
Bước 3. Xây dựng (Constructing) chương trình dựa vào những phân tích nêu trên, có sự kết hợp chặt chẽ và chuyên môn hóa giữa lực lượng giảng dạy và đội ngũ kĩ thuật.
Bước 4. Huấn luyện (Training) người học và người dạy về việc sử dụng hệ thống học tập này trong việc giảng dạy và học tập.
Bước 5. Đánh giá (Evaluating) hiệu quả của quá trình thông qua những phân tích định tính và định lượng, để từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.
Qua quy trình trên, thầy khẳng định rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy không phải là “cuộc chơi” đơn giản. Muốn đạt được những hiệu quả nhất định phải có đủ tiềm lực và nguồn lực để triển khai một cách trọn vẹn và khép kín.
Nếu không làm được như trên, việc sử dụng công nghệ và kĩ thuật trong bất kì hoàn cảnh giảng dạy nào thì cũng chỉ là việc làm “nửa vời”, làm cho vui chứ không có hiệu quả đáng kể.
Và một điều quan trọng hơn, đó là công nghệ thì chỉ là công cụ phụ trợ. Cái cần thiết nhất vẫn là một cách tiếp cận và phương pháp giảng dạy phù hợp, được tối ưu. Sự tư duy và vận động của người dạy và người học theo một triết lý và những nguyên tắc hợp lý là mấu chốt quyết định hiệu quả trong giáo dục.
GIÁO DỤC PHẢI LÀ QUY TRÌNH TƯƠNG ĐỐI TOÀN DIỆN
Từ cơ sở lý luận trên, các bạn có thể thấy rằng đưa một phần mềm học tập trực tuyến vào một chương trình đào tạo đã xây dựng sẵn luôn là việc làm không mang lại hiệu quả gì cho việc học tập, thậm chí mất thời gian và phiền phức.
Việc sử dụng các hệ thống học tập trực tuyến, khai thác các “video” bài giảng trên Internet cũng chỉ là hoạt động phụ trợ và chỉ dành cho một nhóm nhỏ học viên trong những hoàn cảnh đặc thù.
Một máy tính bảng và vài phần mềm học tập cài sẵn đơn lẻ chỉ mang tính trải nghiệm và giải trí nhiều hơn là giá trị học tập thực chất. Học tập đúng nghĩa là không đơn giản như vậy.