Trong bài viết này, thầy trình bày góc nhìn đặc biệt về bài thi IELTS – mối quan hệ giữa con người, đại từ và giới tính, giúp các bạn hiểu rõ hơn bản chất và xu hướng ngôn ngữ trong bài thi, từ đó có cái nhìn tổng quan, định hướng học tập và ôn luyện phù hợp.
Trong hơn 100 đề thi đọc IELTS (authentic past papers), thầy khảo sát thì đại từ “he” xuất hiện 560 lần, trong khi “she” chỉ xuất hiện 157 (khoảng 3,5 lần), đi kèm với tên nhà khoa học, nhân vật. Theo quan sát của thầy, đa phần, các trích dẫn, các nhà khoa học, nhân vật xuất hiện trong phần thi đọc thường là nam.
Điều này cũng phải ánh khá chính xác thực tế là nhà khoa học hay nhân vật có ảnh hưởng thường vẫn là nam giới, dù hiện tại, phụ nữ và những giới tính (other genders) khác đang tăng dần sự xuất hiện và vị thế trong nhiều lĩnh vực.
Kiểm tra một vài từ khóa khác, như “man” và “woman”, cũng có chút chênh lệch. Thầy tra trong ngữ liệu (không công bố), thấy “man” thường xuất hiện khi đề cập về “con người nói chung”, nhất trong các bài đọc về lịch sử, sự kiện hay vật liệu v.v. Điều này, có thể xem là một chút “gender bias” tiếng Anh nói chung và bài thi nói riêng.
Tính từ “man-made” xuất hiện 23 lần.
Học viên cũng nên học một tính từ có chút liên quan, đó là “artificial”, xuất hiện đến 63 lần.
Thầy thử tìm “men” và “women”, “male” và “female” thì thấy sự khác biệt không đáng kể. Trong những bài đọc chủ đề sinh học hay động vật, hoặc có chút liên quan tới giới tính, tâm lý thì “male” và “female” thường được sử dụng.
Kiểm tra một số từ khóa khác như “father” vs. “mother”, “husband” vs. “wife” thì được một số kết quả như bên dưới.
Những điều ở trên, có thể có chút giá trị tham khảo, hoặc thỏa mãn đôi chút tò mò. Tuy nhiên, thực tế dù biết hay không cũng không ảnh hưởng đến đáp án trong bài thi đọc (hay trong những phần thi khác), và hoàn toàn không ảnh hưởng đến điểm số.
Có một vài học viên hỏi thầy: Sao thầy không nói tới điều này, điều kia; em chưa nghe thầy nói bao giờ v.v. Thật sự, điều nào cần nói, thầy sẽ nói tại lớp.
Thời sinh viên, thầy từng nghe một câu nói trên một chương trình radio (hình như của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần), đại ý là: Đọc trăm quyển sách thì mới dạy được vài trang sách.
Đây là cách nói ví von, khá hay; ý là phải có sự kết tinh kiến thức ở mức độ cao. Hiện tại, nếu biết tận dụng kĩ thuật công nghệ, ở một vài khía cạnh, có thể đi nhanh hơn thời trước, nắm bắt tổng thể nhanh hơn.
Trong giáo dục ngôn ngữ, nhất là giảng dạy tiếng Anh, cách tiếp cận tốt nhất chính là dựa vào ngữ liệu (corpus). Ngữ liệu có thể tạm xem là trăm quyển sách được số hóa (digitalised); và như thầy vừa trình bày, nắm vững ngữ liệu rồi, sẽ dạy được vài trang.
Học là phải học đúng cái cốt lõi, đúng cái cần học. Dù có đi học ngàn ngày mà học với “some-page teacher” thì cũng như không.
Thêm một ý khác. Có câu nói có vẻ rất hay, đó là “mưa dầm thấm lâu”. Chắc các bạn cũng hiểu câu này. Học lâu sẽ thấm lâu? Thầy khẳng định rằng không phải. Còn tùy vào mục tiêu học tập, hoàn cảnh, đặc điểm mỗi cá nhân, cách tiếp cận, phương pháp, giáo viên thế nào, tài liệu ra sao v.v. Học đúng cốt lõi, sẽ ‘ngộ’ ra và thấm lâu.
TỪ VỰNG IELTS: HỌC ĐÚNG VẪN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Học là phải học đúng cốt tủy kiến thức và kĩ năng, học đúng chỗ, đúng sách, đúng thầy. Xong cái này, rồi lại sang học những cái cần thiết khác. Nếu học đúng thì không cần học lâu. Nếu học đúng, tự khắc cá nhân người học sẽ biết phải làm gì tiếp theo.
Cho nên, cách nói “mưa dầm thấm lâu”, học năm dài tháng rộng là cách nói chống chế. Không thể có chuyện vừa học, vừa chơi, vừa vui, lâu ngày sẽ thấm. Đó chỉ là các bạn đang lãng phí thời gian.