Trong bài viết này, thầy đưa ra quan điểm về các bài thi chuẩn hoá nói chung và bài thi IELTS nói riêng, giúp các bạn nhìn nhận rõ bản chất vấn đề và định hướng học tập cu nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Hôm qua thầy đọc được tin, Viện đại học California (Hoa Kì) sẽ không sử dụng kết quả thi SAT và ACT trong hồ sơ xét tuyển đối với ứng viên chương trình đại học. Thay vào đó, trường sẽ tiến hành xây dựng bài thi mới, công bằng và phù hợp hơn với ứng viên.

thông tin viện đại học california bỏ xét tuyển SAT

Các bạn đọc tin chi tiết tại đây: 

University of California Board of Regents unanimously approved changes to standardized testing requirement for undergraduates

Quyết định này không đơn thuần mang tính giáo dục, mà có thể mang tính kinh tế và xã hội, giúp trường chủ động trong tuyển sinh, dẫn đến nhiều điều chỉnh trong cộng đồng và thị trường lao động; cũng vô tình gây tổn thất hàng tỷ đô la cho các tổ chức kinh doanh bài thi.

Viện đại học California có sức ảnh hưởng không nhỏ trong hệ thống giáo dục đại học Hoa Kì, và có thể quyết định này sẽ là cột mốc cho một giai đoạn mới.

Thật ra, không sử dụng bài thi này thì phải sử dụng bài thi khác, hoặc một cách thức tuyển chọn ứng viên khác. Ăn ngủ luyện đề để tăng điểm hay thực học, vấn đề này sẽ còn gây tranh cãi không hồi kết. Bài thi chuẩn hóa cũng tốt, nhưng chỉ là một trong rất nhiều thước đo năng lực.

Một sinh viên cũ của thầy, hiện giờ đang là giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ lớn. Bạn này tốt nghiệp cử nhân Anh, khi ra trường đã thi đạt IELTS 7.5, bạn chỉ xem qua đề thi rồi đi thi, không ôn luyện gì đáng kể. Thậm chí, trước đó bạn cũng không quan tâm IELTS là gì.

Hôm kia bạn nhắn, nói với thầy rằng bạn quyết tâm thi lại để tăng điểm. Thầy hỏi em sắp du học hay định di dư. Bạn nói không, bạn thi vì ái ngại rằng chung quanh nhiều bạn bè và đồng nghiệp đều thi IELTS để tăng điểm. 

Ý của bạn là thấy hơi vô lý, tự dưng có “trend” xem IELTS điểm cao là điều “ghê gớm”, trong khi chính các bạn đang quên rằng, các bạn là cử nhân tiếng Anh, và thậm chí sắp hoàn thành chương trình thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh. 

CHIA SẺ CHI TIẾT VỀ NGÀNH NGÔN NGỮ ANH

Thầy trả lời bạn thế này. Em đang dạy học rất ổn, nếu chỗ làm của em yêu cầu giáo viên phải có bảng điểm IELTS 8.0, em thi cho đạt chuẩn, không thì thôi. Không nên quan tâm đến những chuyện lộn xộn ngoài xã hội.

Nếu trường đại học, công ty hoặc bộ phận di trú yêu cầu phải có điểm IELTS thì thi, không thì thôi. Các bạn có thể sử dụng bài thi IELTS hay TOEFL để định hướng việc học tiếng Anh cũng tốt, nhưng không nên xem kết quả thi là thước đo tuyệt đối cho năng lực tiếng Anh bản thân.

Rất nhiều sinh viên ngôn ngữ Anh hỏi thầy về vấn đề này, nay thầy có vài lời nói chung.

Các bạn cử nhân ngôn ngữ Anh hay sư phạm Anh chính quy, các bạn nhiều khi quên rằng các bạn đã lựa chọn ngành này ngay từ ban đầu, bỏ ra ít nhất 4 năm tuổi trẻ để hoàn tất chương trình đại học. Các bạn học sâu và rộng về ngôn ngữ, đạt hàng trăm tín chỉ, trải qua rất nhiều khóa học và kĩ năng, hàng trăm bài kiểm tra và kì thi đầy áp lực, thậm chí có bạn còn làm cả luận văn.

NHÌN NHẬN VỀ HOÀN CẢNH VÀ MỤC TIÊU GIÁO DỤC NGÔN NGỮ

Quá trình học đại học của các bạn không gian nan thì cũng rất mất thời gian. Các bạn nên tự hào khi mình cuối cùng đã vượt qua, là những cử nhân ngôn ngữ Anh đúng nghĩa và chính thống. Rất nhiều sinh viên hiện đã, đang và sẽ hoàn tất chương trình thạc sĩ, thậm chí một số bạn còn dự định làm nghiên cứu sinh về giáo dục hoặc giảng dạy, đó là khoảng thời gian dài trong đời mình bỏ ra để học nghề, điều này rất đáng trân trọng.

Sau khi ra trường, các bạn bắt đầu làm nghề. Nếu tổ chức nào yêu cầu thêm chứng chỉ hành nghề thì đăng kí thi chứng chỉ đó. Nơi nào yêu cầu chứng chỉ năng lực tiếng Anh thì các bạn thi thêm, bài thi IELTS hay TOEFL đều được. Đối với các bạn, thi những bài thi này không khác gì thi lấy bằng lái xe máy hay xe hơi.

Hiện nay, trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng, hành lang pháp lý bảo vệ giáo viên và học viên chưa hoàn thiện, môi trường và quy chuẩn nghề nghiệp còn hạn chế, nhận thức từ cộng đồng còn chưa cao, cùng với những khó khăn về kinh tế xã hội, nên nhiều người xuất thân từ các nghề khác, nhưng vì hoàn cảnh nên phải chuyển sang công việc giảng dạy.

Đối với lĩnh vực đặc thù như giáo dục nói chung và giảng dạy nói riêng, đây thực sự là vấn nạn. Không thể chấp nhận chuyện thí sinh dạy lại cho thí sinh, vì công việc giảng dạy đúng nghĩa đòi hỏi chuyên môn và sự đào tạo bài bản và chuyên sâu về phương pháp và sư phạm. Tuy nhiên, như đã đề cập, vấn đề này hiện tại không đơn thuần là giáo dục, mà còn bởi về các yếu tố kinh tế và thị trường, nên chưa có hướng giải quyết và phải tạm thời chấp nhận.

Đa phần nhóm này chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu về giáo dục và giảng dạy, nên bây giờ phải bỏ thời gian học tập, rèn luyện và thi đi thi lại các chứng chỉ này để chứng minh kĩ năng ngôn ngữ với người học, bù cho sự thiếu hụt kiến thức chuyên môn từ trường lớp. Đây là việc phải làm và cần được khuyến khích. Ở khía cạnh nào đó, điều này rất đáng được hoan nghênh, giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh nói chung.

Đối với các bạn sinh viên đã có định hướng và học đúng chuyên ngành, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ và giảng dạy tiếng Anh, các bạn là những người làm nghề chính thống, không cần thiết chứng minh thêm bằng những bài thi như thế này, và hãy trau dồi nghề nghiệp ở mức độ cao hơn.

Nếu các bạn phải thi, hoặc có điều kiện, thích và muốn trải nghiệm không gian phòng thi IELTS hay TOEFL, cứ ôn luyện và thi; giống như việc thử chơi một môn thể thao, tập gym, tập chơi nhạc cụ, hoặc câu cá cuối tuần.