Cuối giờ môn Viết có một sinh viên hỏi thầy cụm từ “auto recycle tax” nghĩa là gì, em đó đang học môn dịch. Thầy nói là không biết, cũng chưa nghĩa ra loại thuế nào trong tiếng Việt mà mình biết.
Thầy hỏi em đó tra cứu chưa, em nói có tra rồi nhưng không có tìm thấy.
Nhìn cụm từ này, thầy nghĩ “auto” có thể là “tự động”, liên quan đến “ô tô” chăng? Vậy chắc là một loại thuế liên quan đến việc tái chế ô tô? Nghĩ vậy thôi chứ thầy cũng không chắc.
Thầy cũng gặp vài trường hợp như vậy trước đây. Nhân chuyện này, nói thêm một chút về phương pháp dạy.
Trong việc dạy ngôn ngữ Anh, có thể tạm chia ra nhiều nhóm môn học; trong đó, thầy tạm gọi một nhóm là kĩ năng thực hành ngôn ngữ (nền tảng tổng quát/ học thuật/ định hướng học thuật), nghe – nói – đọc – viết. Một nhóm khác là những môn kĩ năng nghề nghiệp, ví dụ như dạy biên phiên dịch.
Nếu nhóm môn đầu là phải học để có nền tảng kiến thức và kĩ năng ngôn ngữ, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, những môn sau là học để bước ra làm ngay. Vì đặc tính cơ bản này, việc dạy phải khác nhau.
Dạy nhóm môn kỹ năng thực hành ngôn ngữ
Đối với nhóm môn đầu tiên, việc dạy phải mang tính gợi mở, sinh viên phải vận động nhiều. Đơn cử một ví dụ cơ bản, ở mức độ từ, đó là sinh viên phải chủ động nghiên cứu vấn đề, cùng khảo cứu, phân tích, và sau đó phải đảm bảo đủ kiến thức để hình thành được một cụm danh từ.
Ví dụ như ở trên, thấy cụm từ “auto recycle tax” là hiểu ngay, đó là “a kind of tax which involved auto recycle/ recycle of auto” hoặc “a kind of tax which people have to pay on recycle of your car”?
Nếu chuyển nghĩa cụm từ “auto recycle tax” sang tiếng Việt được thì càng tốt, còn không thì cũng không vấn đề gì, vì nếu dạy theo “direct method“, tức là 100% bằng tiếng Anh thì việc chuyển ngữ này không quan trọng, hiểu trong đầu vậy là đạt.
Khi dạy nhóm môn kĩ năng thực hành ngôn ngữ (nền tảng tổng quát/ học thuật/ định hướng học thuật), lý tưởng nhất, là chương trình phải đủ thời gian để sinh viên vừa học tại lớp, vừa tự học tại nhà, tự tra cứu, so chiếu từ đó hình thành kiến thức và kĩ năng nền tảng. Chính những điều này sẽ đi theo đến suốt đời nếu vẫn còn làm việc liên quan đến chuyên môn tiếng Anh. Vì vậy, trong trường hợp này, việc sinh viên cần có thêm một số bài tập để làm, phải tự lên thư viện, dùng Internet tra cứu là chuyện cần làm.
Tuy nhiên, đó là theo lý thuyết trong điều kiện lý tưởng. Thực tế, rất khó có đủ thời gian và tài nguyên để học dài ngày, và trong bối cảnh xã hội như hiện nay, học dài ngày là phí thời gian. Phải dạy và học nhanh, đúng trọng tâm, đúng kiến thức và kĩ năng cốt lõi. Để thực hiện được việc này, không có cách nào khác là phải dựa vào nền tảng ngữ liệu.
ĐÁNH GIÁ DANH SÁCH TỪ VỰNG IELTS DỰA TRÊN PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU HỌC THUẬT
Dạy nhóm môn kĩ năng nghề nghiệp – dạy biên phiên dịch
Đối với nhóm môn kĩ năng nghề nghiệp, cách tiếp cận rất khác, điển hình như biên dịch. Dù là biên dịch tổng quát hay biên dịch chuyên ngành, một yêu cầu quan trọng là phải có định hướng học tập trung, thực tế, tức là, học xong là làm ngay, không rề rà mất thời gian.
Quá trình dạy biên phiên dịch, dù theo cách gì, cũng phải bao gồm 2 bước sau:
- Thứ nhất, xây dựng ngữ liệu chuyên ngành (specific corpus) dùng cho biên dịch.
Ngữ liệu đó là tập hợp hàng trăm ngàn văn bản có chất lượng, đạt tiêu chuẩn ngôn ngữ, vừa bao quát, vừa tập trung. Từ ngữ liệu này hình thành danh sách từ và cụm từ chuyên ngành cốt lõi. Nếu dịch kinh tế, phải có ngữ liệu kinh tế, dịch kĩ thuật phải có ngữ liệu kĩ thuật v.v. Từ điển chuyên ngành là cần thiết, giáo trình, tài liệu tham khảo cũng cần thiết, nhưng chỉ có nhìn vào ngữ liệu mới hiểu rõ thực tế bản chất ngôn ngữ như thế nào. Không đi từ ngữ liệu, xem như không có gốc. Không có ngữ liệu chuyên ngành, không thể bắt đầu dạy và học môn này.
- Thứ hai, cung cấp toàn bộ từ và cụm từ, nói cách khác, chính là những thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành cốt lõi cần phải nắm vững.
Sinh viên phải được cung cấp cụ thể và rõ nghĩa Anh – Việt, kiến thức nào cần biết trước, kiến thức nào cần biết sau, biết đúng những điều cần biết. Tất cả phải đầy đủ, toàn diện và tinh chất, vì đây là cái cốt yếu của việc học biên dịch – đó là phải làm sao để xây dựng vốn từ cốt lõi và đủ dày trong lĩnh vực đang hướng tới.
Việc bạn sinh viên vừa rồi phải tìm tự tra cứu cụm từ “auto recycle tax” đã phản ánh sự yếu kém nền tảng trong việc giảng dạy biên dịch. “Đồ nghề” phải luôn có sẵn, đầy đủ, chuẩn mực và nhiệm vụ người học là nắm rõ, nhuần nhuyễn và có thể ứng dụng ngay một cách linh hoạt; không phải tự đi tìm, vừa mất thời gian, vừa không đảm bảo chính xác.
Hai bước thầy vừa đề cập ở trên, nếu không được thực hiện, việc giảng dạy chắc chắn không thể hiệu quả. Những vấn đề khác như [1] hướng dẫn lý thuyết dịch thuật, cả biên dịch hay phiên dịch, [2] nghiên cứu những văn bản tiêu chuẩn đã dịch để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức, hay [3] tập trung dịch chuyên sâu, dịch nhanh, chỉnh sửa (nhanh trong lớp) cho đến khi thông thạo cũng là việc cần thiết; nhưng dù thế nào thì vẫn phải bắt đầu từ ngữ liệu chuyên ngành.
Để dạy đúng, học đúng dù bất kì môn gì, đó là chuyện rất phức tạp, tốn kém tài nguyên và công sức. Nhưng làm được, học được, đẳng cấp sẽ rất cao, rất khác biệt.
Học không đúng cái cần học, học không đúng cách, dù là 4 hay 5 năm đại học cũng giống như kì nghỉ dài ngày.