Có vài học viên hỏi, thầy chia sẻ quan điểm cá nhân về ngành Ngôn ngữ Anh.
MỤC TIÊU CỐT LÕI của chương trình đại học chuyên ngành tiếng Anh trong hoàn cảnh xã hội hiện tại phải là sự thông thạo 4 kĩ năng thực hành tiếng nghe – nói – đọc – viết và khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành mức độ (cực) cao.
Trong 1 hoặc 2 năm đầu, sinh viên cần tập trung học, rèn luyện kiến thức và kĩ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh. Không thông thạo tiếng Anh sau khoảng thời gian này thì học những kiến thức khác ở giai đoạn sau không mang lại hiệu quả, thậm chí là “cực hình” cho người học.
Làm cách nào để đạt được điều này? Rất đơn giản, chuẩn quốc tế có sẵn, tuyệt đối bám sát vào đó. Thiết kế và xây dựng chương trình theo đúng chuẩn ngôn ngữ quốc tế. Tương tự, hệ thống kiểm tra và khảo thí cũng phải dựa theo chuẩn quốc tế.
GÓC NHÌN TOÀN DIỆN TRONG LĨNH VỰC KHẢO THÍ NGÔN NGỮ
Chương trình phải xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ học và ngữ liệu (corpus) và có thể dùng Khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ châu Âu (CEFR) cho việc đánh giá.
Sau thời gian tập trung chuyên sâu học thực hành tiếng, đầu ra phải ở mức độ tối thiểu B2 theo khung CERF ở bên trên.
Nếu định hướng học tập tổng quát và kinh tế – thương mại, có thể dùng các bài thi của Cambridge.
Nếu mục tiêu đầu ra là tiếng Anh định hướng học thuật dùng bài thi IELTS™. Một số bài thi khác như TOEFL® iBT hay PTE Academic™ đều có thể dùng tương đương.
Sau khi đã đạt tiêu chuẩn nêu trên mới bắt đầu dạy các môn chuyên về ngôn ngữ học: “Syntax” (cấu trúc học), “Semantics” (ngữ nghĩa học) và “Morphnology” (hình thái học) và “Phonetics & Phonology” (âm vị học); và những môn văn hóa và văn chương Anh – Mỹ, ví dụ như “British studies” hay “American studies” (Văn minh Anh, Văn minh Mỹ); và “British Literature” hay “American Literature” (Văn học Anh & Văn học Mỹ).
Tùy thực tế định hướng nghề nghiệp của sinh viên, những môn này sẽ là tự chọn hay bắt buộc, học sâu hay học cho biết v.v.
Đừng dạy những cái mình nghĩ là quan trọng, đào tạo là phải hợp thời.
Trong 2 năm cuối cần tập trung vào những chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp, ví dụ như “Translation & Interpretation” (Biên – phiên dịch), “Business” (Kinh doanh), “Teaching” (Giảng dạy) v.v.
Mỗi chuyên ngành nêu trên, cần học vài môn chuyên sâu, đủ để ra ngoài làm việc ngay. Dạy những môn này, cần chuyên gia là người có bề dày kinh nghiệm về nghề nghiệp và đào tạo, sinh viên học xong là có thể làm việc ngay.
Học đúng trọng tâm và chuyên sâu, 2-3 năm là đủ giỏi để bước ra ngoài làm việc hiệu quả lập tức.
Người học nói chung nên có định hướng và quyết tâm để không phải bị cuốn theo những điều vòng vo, chẳng đâu ra đâu.