Cách đây vài tháng, thầy có việc ngồi với anh bạn tại một quán cà phê, trong một trung tâm thương mại. Buổi sáng, nhìn ra thấy cô giáo của trường mầm non có trụ sở ngay tại đây, dẫn hơn chục em học sinh đi dạo bên trong, trẻ con đi “túa lua xua” và bước luôn ra khỏi cửa trung tâm thương mại. Thầy ngạc nhiên, nếu lạc hay bị bắt cóc thì ai đền? Anh bạn thầy cũng lắc đầu.
Một chuyện khác rất lạ lùng, đó là các trường học vẫn ngang nhiên chụp ảnh, hoặc cho phép nhân viên và giáo viên (vô tư) chụp ảnh học sinh, nhất là các em mầm non và tiểu học, rồi đăng tải trên mạng xã hội, dù là trang cá nhân hay của trường. Đây là điều cực kì nguy hiểm. Mọi hình ảnh, thông tin cá nhân, kết quả học tập và thi cử của học viên là những điều rất riêng tư và nhạy cảm. Chúng chỉ có thể sử dụng khi được phép từ chính chủ sở hữu.
Lỡ có sự cố xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm. Nhà trường và thầy cô có đền nổi không. Người ta thường nói những câu nghe rất chủ quan, kiểu như: “dễ gì cháy”, “dễ gì hư”, “dễ gì sập”, “dễ gì mất” v.v. Thầy nói, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.
CHIA SẺ GÓC NHÌN VỀ NHỮNG MỐI QUAN HỆ TRONG GIÁO DỤC
Truyền thông ngày 6/8 đăng tải sự cố rất thương tâm của một em học sinh tại trường “quốc tế” ở miền ngoài. Chuyện này thầy nghe không lạ. Đừng nói với thầy trường quốc tế này, quốc tế nọ.
Trường quốc tế là trường gì? Định nghĩa chính thức theo đúng như tên gọi bên ngoài thì các bạn có thể tự tìm kiếm từ một nguồn đúng chuẩn quốc tế.
Nói về bản chất thì có thể hiểu là trường quốc tế phải sử dụng một chương trình đào tạo được quốc tế công nhận rộng rãi, ví như International Baccalaureate (IB), Cambridge Assessment Internation Education (trước đây gọi tắt là CIE) hay Edexcel; hoặc một trường đặt tại một nước nhưng chương trình được một nước phát triển khác công nhận.
Ví dụ, trường có cơ sở tại Việt Nam, nhưng học sinh tốt nghiệp ở đây được trường ở Canada (và bộ giáo dục Canada) công nhận tương đương với học sinh đang học tại Canada. Nếu đúng theo định nghĩa này, thì số lượng trường quốc tế tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay.
Muốn có được những điều này, tất cả các yếu tố như cơ sở vật chất, chương trình và đội ngũ giáo viên phải đạt tiêu chuẩn do các tổ chức giáo dục (ở trên) đặt ra. Tuy nhiên, đạt tiêu chuẩn trên giấy khác với đạt tiêu chuẩn trong thực tế, vì trong thực tế, quá trình giảng dạy (khá) khó kiểm soát, và cũng có nhiều cách để “lách” quy định. Rất nhiều cơ sở giáo dục đạt chuẩn trên giấy nhưng thực tế hoạt động lại (rất) thiếu chuẩn. Đạt chuẩn quốc tế và giữ được điều này là việc không hề đơn giản.
Về cơ sở vật chất, hiện tại các trường (trong cùng một phân khúc) khá tương đồng; quy trình phục vụ của các trường có tiêu chuẩn không chênh lệch nhiều. Nhưng về con người, thì đó là chuyện (khá) phức tạp.
Thầy cho rằng vai trò của đội ngũ nhân viên phục vụ đào tạo rất quan trọng, đặc biệt là lực lượng trực tiếp giảng dạy.
Các bạn cứ thử tìm một “trường quốc tế” hiện nay, hỏi xem giáo viên dạy môn địa lý tốt nghiệp ngành gì. Giáo viên dạy địa lý, tốt nghiệp ngành sư phạm địa lý, ngành địa lý hoặc địa chất, hoặc một ngành gần và có chứng chỉ giảng dạy của một tổ chức nghề nghiệp uy tín thì khác hoàn toàn với một giáo viên dạy địa lý nhưng học đại học hoặc sau đại học chuyên ngành khác rồi sau đó chuyển qua dạy địa lý. Chuyện đạt chuẩn cơ bản về mặt hành chánh như vậy thôi cũng đã không dễ.
Tương tự, các bạn có thể hỏi xem một giáo viên dạy ngoại ngữ tốt nghiệp ngành gì. Ngành sư phạm ngôn ngữ, ngành ngôn ngữ (đơn thuần) và có chứng chỉ về giảng dạy của một tổ chức uy tín, hay là “giáo viên tình cờ”, tức học một ngành khác, sau đó chuyển sang dạy ngôn ngữ vì một lý do gì đó. Một người nói tiếng Anh bản ngữ, học ngành kinh tế, tốt nghiệp, sang Việt Nam hay Campuchia dạy tiếng Anh là chuyện này rất phổ biến. Có học là may, nhiều khi lại là thợ xây hay bảo vệ.
Ở đây, phải hiểu rằng, không phải cứ học nhiều và giỏi kiến thức thì giảng dạy sẽ hiệu quả. Học ít, trong thời gian ngắn, không hẳn là dở, và người học ít chưa chắc đã là người truyền đạt kém. Mỗi người đều có hoàn cảnh và xuất thân nghề nghiệp riêng.
Nhưng rõ ràng, người có định hướng nghề nghiệp, có sự học hành bài bản, được đào tạo từ đầu thì (nhiều khả năng) sẽ có cái nhìn toàn diện và bao quát những vấn đề chuyên môn. Đó chính là điều kiện tối thiểu để bắt đầu quá trình định lượng kiến thức và kĩ năng của một người làm nghề.
Phải có tiêu chuẩn nghề nghiệp, tính pháp lý, giống như bác sĩ hay luật sư phải được đào tạo đúng chuyên môn, thực tập rồi tập sự và có giấy phép hành nghề (có thời hạn) thì mới được làm việc. Người hành nghề phải đạt tiêu chuẩn nghề nghiệp, trải qua quá trình sàng lọc (gắt gao) trước khi chính thức làm việc (độc lập). Đây là yêu cầu tối thiểu để duy trì chất lượng công việc ở bất kì ngành nghề nào.
Không cần phải tên gọi là “trường quốc gia” hay “trường quốc tế”, quan trọng là giá trị giáo dục thực chất như thế nào. Phụ huynh gửi con – em tới trường, nhiều khi một sơ sót nhỏ mà gây hậu quả không lường hết được.
Cơ sở vật chất đầy đủ, vận hành sai sót một chút đã gây hậu quả kinh khủng. Trường cái gì cũng tốt, nhưng học sai thầy sai cô thì cũng ảnh hưởng nhiều. Giáo dục chứ đâu phải chuyện đùa.
Các bạn quan tâm tới vấn đề giáo dục, đặc biệt là đối với ngành ngôn ngữ, có thể đọc thêm bài viết này: