Thầy có dạy nhiều lớp tiếng Anh chuyên ngành ở nhiều trường, bao gồm Công nghệ Thông tin (Information Technology), Luật (Law) và Thương mại (Business).

Thực ra, dạy và học tiếng Anh chuyên ngành, tạm gọi là English for Specific Purposes (ESP) đòi hỏi nhiều yếu tố.

Ở đây thầy nói đơn giản 3 yếu tố đầu tiên:

  • đầu vào của sinh viên
  • nội dung giảng dạy
  • giảng viên

Cần hiểu rằng tiếng Anh chuyên ngành là một “tập hợp con” của tiếng Anh, hướng đến sinh viên đang học ở trường hoặc những người đã tốt nghiệp hiện đang làm việc.

Nội dung học chủ yếu là từ, khái niệm (cùng một chút ngữ pháp và văn phong) và một số kĩ năng nghề nghiệp.

Đầu tiên, sinh viên thông thường chưa đi làm, trước khi bước vào học bất kì tiếng Anh chuyên ngành gì cũng phải đạt tối thiểu 2 điều kiện đầu vào sau:

  1. kiến thức và kĩ năng tiếng Anh tổng quát hoặc học thuật đạt đủ chuẩn
  2. kiến thức về lĩnh vực chuyên môn (được học sâu bằng tiếng mẹ đẻ)

Cụ thể, sinh viên muốn học tiếng Anh chuyên ngành thương mại, thì ít nhất phải có nền tảng tiếng Anh tổng quát hoặc học thuật tương đối thông thạo, đạt một tiêu chuẩn nhất định. Có thể dùng các bài thi để đo lường, rất dễ dàng và tương đối chính xác.

tiếng anh chuyên ngành thương mại 1

Kế tiếp, sinh viên đó phải có kiến thức tổng quát và chuyên sâu về chuyên ngành thương mại đã được học qua nhiều môn học từ quản trị, tiếp thị, tài chính, kế toán, văn hóa doanh nghiệp, truyền thông cho tới sản phẩm, sản xuất v.v. Với kiến thức nền tảng kiến thức đó thì việc dung nạp từ vựng chuyên ngành bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng và hiệu quả.

Ví dụ, sinh viên phải hiểu rõ về một kĩ thuật trong tiếp thị sản phẩm, đó là “lồng ghép một sản phẩm vào một tác phẩm như một bộ phim, một chương trình tuyền hình để thực hiện một ý đồ quảng bá”. Cái đó, trong tiếng Anh được gọi tên là product placement. Ví dụ như trong phim hành động, người ta dùng chiếc xe hiệu ABC, dòng XYZ để đua, thì đó là một cách của product placement.

Về lý thuyết, với những cái đã được học trước thì sinh viên phải hiểu rằng để thực hiện được kĩ thuật product placement trong quảng cáo, nhà sản xuất hay công ty phải cần nhắc xem bối cảnh nào phù hợp với sản phẩm không, chiến lược tổng thể phải thế nào, ngân sách bao nhiêu, từ kí kết hợp đồng cho tới triển khai, quản trị và đo lường hiệu quả quả việc place the product v.v.

Hiểu rõ như vậy thì khi học đến khái niệm product placement, sinh viên mới có sự hiểu mức độ cao, sáng ra nhiều điều, thậm chí có thể tự diễn giải khái niệm này bằng tiếng Anh.

Quan trọng hơn, phải hiểu tối thiểu ở mức như trên thì trong những bài tập đóng vai (role play) trong lớp, giữa 3-4 sinh viên, bàn về một tình huống triển khai sản phẩm giả định, sinh viên mới có thể đưa ra ý kiến, lý giải và thuyết phục thành viên khác về đề xuất product placement của mình.

Để một tình huống nhập vai như vậy hiệu quả, đỏi hỏi một nền tảng kiến thức sâu. Đã học là phải ra học sâu, thực tế, không lớt phớt hình thức qua loa. Từ việc biết, hiểu, hiểu sâu cho tới vận dụng được một khái niệm vào tình huống thực tế/ giả định thực tế là một quá trình không hề đơn giản.

Nói đến đây, để các bạn thấy rằng, nếu sinh viên không có sẵn nền tảng tương đối sâu và rộng về chuyên ngành thương mại, thì hầu như không thể học tiếng Anh chuyên ngành thương mại hiệu quả được.

Một yếu tố rất quan trọng khác là nội dung giảng dạy. Như thầy đã nói nhiều lần, không thể bám vào một giáo trình nào cả, tất cả phải dựa vào ngữ liệu (corpus). Nếu dạy tiếng Anh chuyên ngành CNTT thì cần phải có một ngữ liệu chuyên ngành đủ tốt, để biết là sẽ dạy bao nhiêu từ, những lĩnh vực nào là trọng tâm, những từ nào là cốt lõi, những từ nào cần biết trước, từ nào cần biết sau, những khái niệm và xu hướng nào mới v.v.

tiếng anh chuyên ngành 4

Ở đây, thầy nhắc lại ý cũ đã đề cập nhiều lần, đó là phải dạy đúng cái cần dạy. Không có ngữ liệu tốt, thì rất khó dạy đúng. Nếu không có ngữ liệu, thì ít đó là cũng phải tham khảo 5-7 bộ giáo trình tiếng Anh chuyên ngành, tổng hợp và rút ra được nội dung cốt lõi sẽ dạy.

GIỚI THIỆU 9 QUYỂN SÁCH NỀN TẢNG TRONG LĨNH VỰC GIẢNG DẠY TIẾNG ANH

Về người dạy, nếu muốn dạy tiếng Anh chuyên ngành CNTT thì người đó phải từng có kinh nghiệm về công nghệ, đã ít nhiều có tham gia một vài dự án, hoặc có kinh nghiệm thực tế liên quan.

Nói cụ thể, để dạy một số từ chuyên ngành liên quan đến the Internet hay website thì giảng viên ít ra cũng phải từng làm vài cái trang mạng, rất quen thuộc và hiểu rõ các khái niệm trong một vài lĩnh vực hẹp, như server, host, virtual private server hay domain, những từ chuyên môn nào phải biết để có thể tự cài đặt, vận hành và bảo trì một trang mạng v.v. ở mức độ tương đối.

dạy tiếng anh chuyên ngành cntt 1

Tương tự, nếu một giảng viên chưa từng có kinh nghiệm tương đối về business thì lấy cái gì quan sát, kiểm soát và điều chỉnh nội dung một hoạt động đóng vai (role play) trong một tình huống business giả định của sinh viên.

Phân tích sơ bộ như trên để thấy rằng tiếng Anh chuyên ngành thuộc nhóm môn học có sự lựa chọn rất khắt khe, không phải ai muốn học cũng học được, không phải giáo trình nào cũng có thể sử dụng được, và chắc chắn là không phải ai cũng có thể đứng lớp giảng dạy.

Môn tiếng Anh chuyên ngành có chung một đặc điểm (hoặc nằm cùng nhóm) với những môn kĩ năng nghề nghiệp khác như Nói trước công chúng hay Biên – phiên dịch chuyên ngành, đó chính là, những môn này chọn người học, chứ không thể cho người học lựa chọn tùy tiện. Phải đủ chuẩn thì mới cho đăng kí học. Phải đủ chuẩn thì mới cho dạy và dạy cái gì, dạy thế nào là cả vấn đề phải xem lại. Chỉ riêng hoạt động đóng vai hay thuyết trình (presentation) lớp học thôi cũng đã nảy sinh vấn đề.

Dạy đúng chất và học đúng chất là việc phải làm, hiểu bản chất thì dễ, còn không đúng hướng thì khó khăn và phức tạp.

Nếu làm không đủ chất thì đó chỉ là gặp nhau dạo chơi chứ không phải dạy và học.