Trong tiếng Anh danh từ “school” có nghĩa là “a place where children go to be educated”. (Từ điển Cambridge)
Tạm hiểu: “Trường học” là “nơi mà ở đó trẻ em được giáo dục (một cách nghiêm chỉnh, có hệ thống)”
Trong tiếng Anh-Mỹ, “school” cũng mang nghĩa là “college” hoặc “university”, cũng có khi được dùng như một khoa hoặc “trường con”.
Ngoài ra, “school” còn có một nghĩa nữa là “group of painters, writers, poets, etc. whose work is similar, especially similar to that of a particular leader”. (Từ điển Cambridge)
Trong trường hợp này, tạm hiểu ngắn gọn “school” là “trường phái”. Ví dụ như “the Impressionist school of painting” là “trường phái hội họa ấn tượng”, hay “the Behaviorist school of thought” là “trường phái tư duy theo thuyết hành vi”.
Hiểu sâu một chút, trong những nền giáo dục tự do và khai phóng, danh từ “school”, ngoài nghĩa là trường học thông thường, còn phải là “trường phái”. Kiến thức có rất nhiều cái đã là nền tảng chung, phải dạy cho đúng và giống nhau, nhưng cách truyền đạt và tiếp cận có thể khác nhau, tùy vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Thầy lấy một ví dụ, khi đào tạo cao học kinh doanh, có nhiều trường rất thích dùng “case study” (những trường hợp điển hình) để dạy, và vẫn có nhiều trường dạy theo lý thuyết thuần túy, và hiển nhiên, có nơi thì kết hợp.
Những nguyên lý cơ bản trong kinh doanh gần như là dạy giống nhau, nhưng cách tiếp cận là hoàn toàn khác. Chẳng có vấn đề gì cả, cái nào cũng có cái hay riêng, quan trọng là hiệu quả đào tạo có được công nhận và bước ra thực tế làm việc hiệu quả hay không.
Kiến thức cốt lõi, những học thuyết hay nguyên lý trong các ngành nghề thường khá là “fixed” (cố định), thậm chí nhiều lúc bất biến vì hiện tại hiểu biết của con người là giới hạn. Các trường dĩ nhiên là phải dạy những kiến thức nào để thành một hệ thống và có trật tự.
Tuy nhiên, mỗi nơi đều có người dạy khác nhau, phương pháp dạy khác, góc nhìn khác nhau, hoàn cảnh xã hội lại càng khác nhau, vì vậy sẽ tạo ra những “kiến thức” khác nhau. Chính sự “chênh” ít nhiều đó tạo ra bản sắc trong giáo dục và đào tạo.
Thông thường, bậc đại học hoặc sau đại học, nhiều nơi hay dùng chữ “school of XYZ”, hàm ý sâu xa là vậy. Cơ bản, dạy và học là phải có bản sắc, nói theo kiểu “dân chơi” là phải “chất chơi”.
Thêm một ý khác, các bạn nhìn ra nước ngoài, rất hiếm khi cả một cấp học dùng chung duy nhất một bộ giáo trình. Cả một nước, từ vùng núi tới đồng bằng, mà xài chung một bộ giáo trình tiểu học là sai cơ bản về mặt giáo dục. Chỉ cần dạy đúng kiến thức cốt lõi, còn chọn giáo trình gì hay phương pháp gì là tùy trường. Làm gì cũng phải hiểu bản chất.