Nhân tiện trong lớp có đề cập đến vấn đề thuyết trình, một sinh viên có nói rằng bạn học nhiều môn ở trường, môn nào cũng phải thuyết trình (presentation). Trong một số điều kiện học tập, thầy xem đây là một vấn nạn.
Project-based Learning
Trước khi nói về việc “thuyết trình”, cần hiểu sơ lượt về khái niệm “project-based learning”.
“Project-based learning”, tạm dịch là “học theo dự án”. Đây là một phương pháp sư phạm, cho rằng người học sẽ học sâu, hiểu rõ một chủ đề hoặc một môn học thông qua những trải nghiệm và khám phá.
Những hiểu biết mà người học tự học thông qua các “dự án” có thể là nền tảng giúp dễ tiếp thu bài giảng được hệ thống từ giảng viên. Ngoài ra, còn giúp nâng cao kĩ năng làm việc nhóm (dù không đáng kể).
“Học theo dự án” được hình thành phần nào dựa trên nền tảng của “constructivism” trong tâm lý (giáo dục), tạm dịch là “chủ nghĩa kiến tạo”.
Ở một khía cạnh nào đấy, hiểu đại khái “chủ nghĩa kiến tạo” là việc học tập và phát triển do “người học tự kiến tạo” nên. Dĩ nhiên làm gì cũng phải thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy và kiểm soát của người dạy.
Phương pháp “học theo dự án” có thể được áp dụng khác nhau ở từng cấp học khác nhau.
Ở bậc đại học, thông thường, khi dạy “học theo dự án”, giảng viên giao cho mỗi nhóm tìm hiểu một đề tài (project) hoặc một bài học (unit) hay chủ đề (topic).
Nhóm này sẽ nghiên cứu, tìm hiểu và nếu nghiêm túc thì chắc chắn học được nhiều điều từ đây. Sau khi hoàn thành, nhóm trình bày lại cho cả lớp và giảng viên nghe thông qua bài thuyết trình. Một trong những “ví dụ điển hình” thường thấy ở trường đại học là, sách 10 chương (chapter), giảng viên giao cho mỗi nhóm thuyết trình nhanh một chương, sau đó dạy lại cho lớp!?
Về mặt lý thuyết, nghe qua thì đây là phương pháp tốt. Nhưng thực tế, để hiểu được bản chất và thực hiện đúng, thực sự không hề đơn giản.
Muốn “dạy học theo dự án” hiệu quả, cần người học có nền tảng tốt, có định hướng học tập rõ ràng và người hướng dẫn có trình độ cao. Đó là chưa kể đến những yếu tố khách quan về thời lượng giảng dạy và nhiều điều kiện học tập khác, thậm chí là mô hình xã hội.
Về việc thuyết trình trong giảng dạy
Thầy nói về “học theo dự án” để dẫn dắt vào việc “thuyết trình”. Như thầy vừa trình bày ở trên, thông thường, “thuyết trình” có thể xem là một “công đoạn” (thường là cuối cùng) trong phương pháp “học theo dự án”.
Mặc định, sinh viên phải đảm bảo kĩ năng thuyết trình tốt mới được phép thuyết trình; vì trọng tâm ở đây là truyền tải kiến thức chứ không phải kĩ thuật thuyết trình.
Kĩ năng thuyết trình cần được học và hoàn thiện trong một môn học riêng, ví dụ như môn “Nói trước công chúng” (public speaking) hoặc “Kĩ năng thuyết trình” (presentation skill).
MẠN ĐÀM VỀ VIỆC DẠY MÔN NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG (PUBLIC SPEAKING)
Để một bài thuyết trình hiệu quả, cần phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ nội dung tới hình thức, và người trình bày phải có kĩ năng thuyết trình tốt. Ngoài ra, phải căn cứ vào hoàn cảnh và đặc thù của riêng từng môn học mà quyết định xem có cần dùng đến thuyết trình hay không.
Đối với các môn kĩ năng tiếng Anh như nghe – nói – đọc – viết, hay kĩ năng nghề nghiệp hoặc nghiệp vụ, không cần dùng đến thuyết trình, mà phải “cầm tay chỉ việc”, chỉ rõ bản chất vấn đề và thúc đẩy luyện tập đúng phương pháp.
Cá nhân thầy cho rằng, nếu giảng viên hiểu rõ và nắm vững bản chất của môn học; và có đối tượng học tập phù hợp, chỉ cần vài lời là đủ “sáng tỏ”, không cần kĩ thuật gì rắc rối.
Sự thật, kiến thức cốt lõi trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học công nghệ, kinh tế và xã hội, hàng ngàn năm nay vẫn không thay đổi. Hiểu rõ, nắm vững và vận dụng được kiến thức cốt lõi, tự khắc sẽ biết “kiến tạo” (construct) như thế nào.