Hôm trước, cuối giờ học, hoàn tất mọi thủ tục và điểm số, lớp về gần hết. Có vài đứa chờ học ca sau môn khác ngồi lại. Có bạn sinh viên hỏi thầy: có cách nào đậu môn “Âm vị tiếng Anh” không?

Thầy cũng không biết là học “Âm vị” là các bạn học những gì. Từ này nghe thì nói theo thôi chứ thật ra không hiểu rõ “Âm vị” là gì. Nhiều từ, dịch sang tiếng Việt, nghe thì cũng “sang chảnh”, chứ thật ra rất tối nghĩa.

Có nhiều “branch”“sub-field” trong ngôn ngữ học (linguistics). Nếu chỉ “nghiên cứu” đơn thuần về âm thanh (sound) thì có 2 môn, đó là:

  • phonetics: học về âm do con người phát ra
  • phonology: học về âm trong một ngôn ngữ nào đó (ví dụ tiếng Anh)

Hồi xưa lúc thầy là sinh viên, có học qua môn Phonetics & Phonology. Thực tế, lúc đó thầy cũng rất mơ hồ về môn học này. Chỉ sau này, có điều kiện nghiên cứu kĩ hơn thì mới sáng tỏ đôi chút.

Vậy theo các bạn, học những điều để làm gì?

Về mặt lý thuyết, học mấy cái này là để hiểu rõ cấu tạo của âm, để phát âm đúng và chỉ cho người khác cách phát âm. Có người sẽ lý giải rằng, các bạn phải học cái sau này, sau này làm giáo viên tiếng Anh, phải hiểu bản chất của từng âm. Khi dạy phát âm cho học viên, nếu cần sẽ chỉ rõ bản chất của từng âm, để cho học viên biết mà phát âm cho “chuẩn”.

Ví dụ cái âm “m” trong tiếng Anh, đó là âm “bilabial” (hai môi)“nasal” (lưỡi), tức là khi phát âm, môi phải chậm môi, đẩy hơi lên mũi thì mới “chuẩn”. Tiếng Anh có mấy chục âm thì có mấy chục quy tắc; và rất nhiều từ chuyên môn cần phải hiểu.

Thực tế, đối với học viên thông thường, chỉ học tiếng Anh như một công cụ, thì càng học quy tắc, càng rắc rối.

Thật ra, nếu chỉ cần dạy và học phát âm, cứ xem các video clip và tập “bắt chước” là biết. Nếu cảm thấy khó quá thì giáo viên có thể giảng giải sơ theo cách người bản xứ phát âm trong video để học viên biết và ứng dụng.

Phải hiểu rằng “phonetics” và “phonology” là hai lĩnh vực nghiên cứu hẹp. Ứng dụng thực tế  như thế nào thì không có nhiều người biết, thậm chí nhiều người đang dạy cũng không biết. Học mấy môn này có vẻ “nghiêm túc” và “sâu” nhưng thực ra là ở mức độ thấp.

Một điều rất cần thiết khi học “phonetics” hay “phonology”, đó là phòng thí nghiệm (lab). Để làm gì? Để đo tần số (frequency) và các sóng âm (wave sound), để từ đó biết rõ từng âm. 

Về mặt kĩ thuật, đo được từng âm, từng từ, cụm từ và cả câu. Từ đó biết được biên độ, sai số và những thông số liên quan. Sau đó tiến tới giả lập (simulation) và ứng dụng vào việc xây dựng các hệ thống nhận diện âm thanh và giọng nói (sound & voice recognition)

Những yếu tố này chính là cốt lõi để tạo ra “Siri” hay “Google voice” các bạn đang dùng. Và tiến tới là xây dựng những hệ thống “machine leanring” (máy học) hay “artificial intelligence (trí tuệ nhân tạo). 

Tương tự, không có hiểu biết chuyên sâu về “syntax”, “semantics”/ “pragmatics” hay “discourse” thì khó có thể xây dựng được công cụ Google Translate“.

Dĩ nhiên, để làm những chuyện này, cần kiến thức liên ngành (inter-discipline) trong ngôn ngữ học và kết hợp với công nghệ thông tin. Còn có cả một ngành học liên ngành khác, đó là “computational linguistics”.

Sinh viên học ở trường chỉ là học những tầng kiến thức rất cơ bản. Vấn đề là học thì phải học cho tới. Muốn học lên đỉnh cao và ứng dụng sâu thì rất khó vì không phải trường nào cũng dạy được, và cũng cần phải có môi trường xã hội tốt đúng nghĩa.