Năm 2008, khi còn là sinh viên, thầy học môn Nghe – Ghi chú, sử dụng giáo trình Nghe – Ghi chú Intermediate Listening Comprehension 3rd (in 2006).
Năm 2018 (10 năm sau), một sự trùng hợp ngẫu nhiên, thầy dạy môn Nghe – Ghi chú 1 cho sinh viên năm thư 2, dùng quyển Listening & Notetaking Skills 4th (in 2014).
Xem hình so sánh trang đầu và mục lục của hai quyển giáo trình bên dưới:
Hai giáo trình Nghe – Ghi chú này thật ra chung tác giả, quyển sau có điều chỉnh nội dụng, bố cục các bài và có thêm phần video. Nhưng đa phần các chương trình tại Việt Nam không sử dụng tối tới phần này vì hạn chế thời gian tại lớp, phần vì sự tự học của sinh viên chưa thật sự tốt.
Ở chapter 3, giáo trình năm 2006 nói về tay đua xe đạp từng 7 lần vô địch giải đua xe Vòng quanh nước Pháp (Tour de France), Lance Armstrong. Sau đó vài năm, tay đua này bị phát hiện là dùng chất kích thích nên huỷ hết mọi thành tích. Đây từng là sự cố rúng động thể thao toàn cầu.
Thầy nhớ có lần xem một phóng sự, người ta phải gỡ bỏ hết những câu nói truyền cảm hứng của Lance Armstrong tại nhiều trung tâm huấn luyện thể thao trên thế giới. Trong giáo trình tái bản năm 2014, nội dung chương này được thay bằng bài về Steve Jobs, sáng lập và CEO của tập đoàn Apple.
Nếu nói tái bản giáo trình để cập nhật, sự cập nhật không hiệu quả lắm. Bởi vì, khi một giáo trình được xây dựng, phát hành và sử dụng trong trường học, đến tay học viên, thông tin ngoài xã hội đã thay đổi nhiều. Giáo trình dạy tiếng Anh thường đi chậm hơn với sự thay đổi của xã hội.
Trong ngành xuất bản, việc cập nhật là để dễ bán sản phẩm, chứ không hẳn có gì quá quan trọng hoặc mang lại lợi ích thật sự to lớn cho người học.
Người học và dạy tiếng Anh thường có tâm lý lệ thuộc vào giáo trình. Điều này cũng bình thường trong điều kiện học tập và năng lực giảng dạy còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nếu dựa vào giáo trình để xây dựng cả chương trình và xem đó là trọng tâm của việc dạy và học thì sai lầm.
Cần phải hiểu bản chất, một quyển giáo trình dạy kĩ năng thực hành tiếng Anh, như nghe và nghe – chi chú tiếng Anh, cũng chỉ là tập hợp của những hoạt động học tập (learning activity). Nền công nghiệp giáo dục cần phải tạo ra những công cụ như vậy để đào tạo hàng loạt.
Về mặt ngôn ngữ, tiếng Anh hàng trăm năm nay không đổi nhiều, chỉ đổi chút ít bề ngoài, thêm vài từ mới; chứ về bản chất, từ vựng và ngữ pháp cốt lõi không thay đổi.
Cho nên, vẫn là điều thầy lặp lại nhiều lần trong triết lý của mình, đó là hãy tập trung vào những kiến thức và kĩ năng cốt lõi. Tất cả hoạt động giảng dạy phải dựa trên điều này. Nắm vững nguyên tắc này, sẽ thấy việc giảng dạy và học tập thực sự không phức tạp.
Với kĩ năng nghe hoặc nghe – ghi chú tiếng Anh, muốn tiến bộ thì học viên phải hiểu bản chất và có kĩ thuật luyện tập phù hợp. Luyện tập cũng đơn giản thôi, nhưng để luyện tập đúng, phải có người hướng dẫn, đúng trọng tâm kiến thức và kĩ năng cốt lõi.